Home / ⚖ Pháp luật / Ý nghĩa bản cáo trạng của Viện kiểm sát trong việc buộc tội bị can

Ý nghĩa bản cáo trạng của Viện kiểm sát trong việc buộc tội bị can

Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân là văn bản gì? Ý nghĩa của bản cáo trạng này như thế nào đối với bị cáo? Thời hiệu ra bản cáo trạng là bao lâu? Cơ quan nào có thẩm quyền ra cáo trạng để buộc tội bị can? Dưới đây, văn phòng Điều Tra Viên 126 sẽ giải đáp từng câu hỏi của các bạn một cách chi tiết nhất.

Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân là văn bản gì?

Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân là văn bản buộc tội đối với bị can, văn bản có những thông tin về diễn biến hành vi phạm tội, các chứng cứ của tội phạm, trong kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng, bản cáo trạng chỉ do Viện kiểm sát ban hành.

Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân là văn bản gì?

(Mẫu bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cái Nước – Cà Mau)

Như vậy, có thể thấy được rằng, bản cáo trạng là một tài liệu chính thức để buộc tội với sự có mặt của bị can. Đây được coi là một thông báo cho bị can biết rằng, văn bản chứa những cáo buộc chống lại họ và họ đã chứng minh được những cáo buộc trên, bị can không có nghĩa vụ phải chứng minh bản thân vô tội, nhưng nếu muốn chống lại những cáo buộc trong bản cáo trạng, bị can cần chứng minh cho những lập luận chống lại những cáo buộc đó của mình.

1. Khi nào có cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân?

Khi có kết luận điều tra vụ án hình sự của cơ quan điều tra, căn cứ từ văn bản kết luận điều tra từ cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra bản cáo trạng buộc tội bị can, trong trường hợp có kết quả điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế cho bản cáo trạng trước đó.

Cụ thể, khi cơ quan điều tra đã điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ liên quan của một vụ án hình sự đầy đủ, đúng người đúng tội,… Lúc này, cơ quan điều tra sẽ ra văn bản kết luận điều tra vụ án hình sự –> Tiếp theo, cơ quan điều tra sẽ chuyển hồ sơ điều tra sang cho Viện kiểm sát –> Dựa vào kết quả điều tra, kết luận điều tra của cơ quan điều tra –> Viện kiểm sát sẽ ra bản cáo trạng để buộc tội đối với người phạm tội (bị can).

– Sau khi ra bản cáo trạng rồi thì Viện kiểm sát có trách nhiệm phải gửi sang cho Tòa án để xét xử vụ án. Theo quy định pháp luật tại điều 244 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thời gian để Viện kiểm sát gửi bản cáo trạng sang cho Tòa án cụ thể như sau:

+ Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án.

+ Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

+ Trường hợp vụ án có bị can bị tạm giam thì trước khi hết thời hạn tạm giam 07 ngày thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.

2. Nội dung bản cáo trạng bao gồm những gì?

Về nội dung, bản cáo trạng phải dựa vào bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra. Theo quy định tại điều 243 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân bao gồm những nội dung sau đây:

– Ngày, tháng, năm ra bản cáo trạng;

– Thông tin về họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.

– Diễn biến hành vi phạm tội (Ghi rõ, chi tiết quá trình diễn biến của tội phạm. Ví dụ: A và B có mâu thuẫn với nhau, trong lúc mâu thuẫn A dùng gậy đánh B vào đầu gay thương tích,…)

– Những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra

+ Thủ đoạn: Phải xác định cụ thể có hay không có thủ đoạn đê hèn, có tính chất man rợ,…

+ Mục đích phạm tội: Người phạm tội do tư thù cá nhân hay do vật chất, các yếu tố khác,…

+ Mức độ thiệt hại: Đây là dấu hiệu cơ bản và đặc biệt quan trọng để xác định một người có hay không có tội theo quy định pháp luật.

– Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế

– Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng

– Nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

– Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng.

3. Ý nghĩa của bản cáo trạng trong tố tụng hình sự

Bản cáo trạng trong tố tụng hình sự có ý nghĩa thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về vụ án hình sự trên cơ sở kết quả điều tra của cơ quan điều tra, từ đó quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử bằng một bản cáo trạng thể hiện đầy đủ quan điểm, tội phạm, diễn biến của tội phạm, điều luật áp dụng cụ thể.

Như vậy, bản cáo trạng là rất quan trọng đối với quá trình tố tụng xét xử cũng như buộc tội bị can, bản cáo trạng của Viện kiểm sát chưa có giá trị pháp lý, nó mới chỉ là một văn bản thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát về tội phạm, Tòa án mới là cơ quan xét xử và đưa ra tội danh cho người phạm tội.

Trong trường hợp Tòa án xét xử không đúng tội danh của người phạm tội thì Viện kiểm sát có thể kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án, đồng thời đưa ra chứng cứ chứng minh tội danh trong bản cáo trạng của mình đưa ra là đúng quy định pháp luật.

4. Đọc cáo trạng như thế nào? Ai đọc bản cáo trạng?

Cơ quan ra bản cáo trạng là Viện kiểm sát, còn người đọc bản cáo trạng là Kiểm sát viên, trước khi đọc bản cáo trạng, Kiểm sát viên cần đứng dậy, hướng về phía Hội đồng xét xử và những người tham dự phiên tòa để có lời phát biểu ngắn mang tính “dẫn đề”, sau đó công bố và đọc bản cáo trạng do cơ quan mình đưa ra.

Ví dụ: Kiểm sát viên sẽ đứng trước hội đồng và nói: Thưa Hội đồng xét xử, tôi là Nguyễn Văn An, đại diện Viện kiểm sát quận Bình Thạnh – Thành Phố Hồ Chí Minh xin công bố bản cáo trạng, sau đó Kiểm sát viên sẽ đọc bản cáo trạng trước hội đồng.

Kiểm sát viên phải đọc nguyên văn trong bản cáo trạng, không được tự ý bớt xén lời văn hoặc sửa chữa từ ngữ… Khi đọc bản cáo trạng, đòi hỏi Kiểm sát viên phải đọc to, rõ ràng, mạch lạc, chính xác, ngắt câu hoặc từ phải đúng lúc, đúng chỗ.

Kiểm sát viên khi đọc bản cáo trạng phải đọc bằng tiếng Việt phổ thông, không được đọc ngọng, nhịu, lỗi chính tả, từ ngữ vùng miền… Đối với các vụ án có các tên riêng tiếng nước ngoài thì phải phiên âm sang tiếng Việt và đọc chuẩn xác đúng câu từ đó.

Sau khi đọc cáo trạng xong, Kiểm sát viên có thể trình bày ý kiến bổ sung để làm rõ thêm nội dung của bản cáo trạng chứ không phải là ý kiến mới, bổ sung làm thay đổi nội dung bản cáo trạng. (trừ trường hợp được Viện trưởng Viện kiểm sát đồng ý).

5. Thời hạn giao cáo trạng cho bị can là bao lâu?

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định truy tố bị can bằng bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa biết, đồng thời Viện kiểm sát có trách nhiệm giao bản cáo trạng và hồ sơ vụ án đến Tòa án để phục vụ quá trình xét xử.

Căn cứ pháp lý tại điều 276 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, khi tòa án nhận hồ sơ và bản cáo trạng của Viện kiểm sát thì xử lý theo quy định sau đây:

–  Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì lúc này, Tòa án sẽ tiếp nhận hồ sơ vụ án;

– Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì lúc này Tòa án chưa nhận hồ sơ vụ án, đồng thời yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can.

6. Mẫu bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân

 

Mẫu số 144/HS

Theo QĐ số 15 ngày 09

tháng 01 năm 2018

VIỆN KIỂM SÁT[1] …

[2]……………….

Số:…../CT-VKS…-…[3]

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

___________________

…………………, ngày……… tháng……… năm 20……

CÁO TRẠNG

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT…………………

 

Căn cứ các điều 41, 236, 239 và 243 Bộ luật Tố tụng hình sự;

Căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số…… ngày…… tháng…… năm…….. của……………………. về tội…….……… quy định tại khoản…… Điều…… Bộ luật Hình sự (hoặc Quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số…… ngày…… tháng…… năm…….. của………………………………., nếu có);

Căn cứ Quyết định khởi tố bị can số…… ngày…… tháng…… năm…….. của……………. đối với…………… về tội…….……… quy định tại khoản…… Điều…… Bộ luật Hình sự (hoặc Quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can số……ngày……tháng……năm…….. của……………………………………………., nếu có);

Căn cứ Bản kết luận điều tra số…… ngày…… tháng…… năm…….. của……………… và Bản kết luận điều tra bổ sung số……ngày…… tháng…… năm…….. (nếu có).

Trên cơ sở kết quả điều tra đã xác định được như sau:

– Diễn biến hành vi phạm tội (hành vi của bị can; ngày, giờ, tháng, năm; địa điểm; thủ đoạn; động cơ, mục đích; tính chất mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân, điều kiện…)[4];

– Phân tích, đánh giá tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án;

– Việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật; xử lý vật chứng;

– Phần dân sự (nếu có);

– …………………………………………………………………………………………………………………..

Căn cứ vào các tình tiết và chứng cứ nêu trên,

KẾT LUẬN

 

Phần này nêu những nội dung sau đây:

– Tổng hợp ngắn gọn hành vi phạm tội của bị can hoặc từng bị can; tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội; vai trò của từng bị can trong vụ án (chú ý sắp xếp theo trật tự căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi, từ tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, nghiêm trọng, ít nghiêm trọng).

Như vậy có đủ căn cứ để xác định các bị can có lý lịch dưới đây đã phạm tội (các tội) như sau:

– Nêu lý lịch từng bị can (chú ý sắp xếp theo thứ tự căn cứ vào vai trò của từng bị can), gồm:

+ Họ và tên, tên gọi khác; giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, chức vụ trước khi phạm tội (Đảng, chính quyền, đoàn thể), trình độ học vấn;

+ Họ và tên cha, mẹ (sinh năm, sống hay chết), anh chị em ruột, vợ chồng, có mấy con, lớn nhất mấy tuổi, nhỏ nhất mấy tuổi;

+ Nếu bị can là thương binh, bệnh binh hoặc có huân, huy chương hoặc các danh hiệu Nhà nước phong tặng khác (cán bộ hoạt động trước Cách mạng tháng 8, anh hùng lao động, anh hùng các lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt nam anh hùng hoặc thân nhân của bị can là thương binh, liệt sỹ) thì cần ghi rõ.

– Tiền sự (chỉ ghi tiền sự còn thời hạn xem xét):………………………………..

– Tiền án: ghi rõ ngày xét xử, Toà án xét xử, tội danh, điểm, khoản, Điều Bộ luật Hình sự, hình phạt (các thông tin về việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án) ………………………………

Bị can…………………… đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế ……; từ…… đến……tại………………

– Khẳng định:

+ Bị can………… phạm tội gì, theo quy định tại điểm, khoản, điều nào của Bộ luật Hình sự (lưu ý trích dẫn Điều luật).

+ Được áp dụng tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm, khoản, điều nào của Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án nếu có người (hoặc pháp nhân thương mại) đã được đình chỉ, hay tạm đình chỉ, tách ra để xử lý ở vụ án khác, không khởi tố để xử lý bằng biện pháp khác thì cũng ghi rõ cùng với căn cứ pháp lý.

 

QUYẾT ĐỊNH

 

1. Truy tố ra trước Toà án……………………… để xét xử bị can (hoặc các bị can – nêu rõ họ, tên) về tội hoặc các tội. Nếu nhiều bị can cùng bị truy tố về một tội và áp dụng điểm, khoản, điều giống nhau thì ghi tất cả họ tên bị can đến tội danh, đến điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng này thay thế Cáo trạng số…… ngày…… tháng……. năm…….. của……[5]

2. Kèm theo Cáo trạng có:

– Hồ sơ vụ án gồm có:……tập, bằng……tờ; đánh số thứ tự từ 01 đến……..

– Bản kê vật chứng.

– Danh sách những người VKS đề nghị Tòa án triệu tập đến phiên tòa.

…………………………../.

 

Nơi nhận:

– Tòa án có thẩm quyền xét xử;

– VKS cấp trên trực tiếp;

– Bị can;

-………..;

– Lưu: HSVA, HSKS, VP.

VIỆN TRƯỞNG[6]

(Ký tên, đóng dấu)

 

[1] Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao

[2] Ghi tên Viện kiểm sát ban hành. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì bỏ mục này

[3] Viết tắt tên Viện kiểm sát ban hành – đơn vị phụ trách (nếu có)

[4] Nêu rõ bút lục để chứng minh.

[5] Chỉ ghi phần này nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 246 BLTTHS.

[6] Trường hợp Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền ký thay thì ghi như sau:

“KT. VIỆN TRƯỞNG

PHÓ VIỆN TRƯỞNG”

5/5 - (8 bình chọn)

Bài nổi bật

Vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng video, tin tức mới nhất

Thông tin vụ án chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng mới nhất

Ngày 22/7/2022 xảy ra vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng kinh hoàng gây …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *