Home / ⚖ Pháp luật / Bóc phốt trên Facebook có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Bóc phốt trên Facebook có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Bóc phốt trên mạng xã hội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Phải làm sao khi bị người khác bóc phốt trên Facebook? Dưới đây, văn phòng Điều Tra Viên 126 sẽ hướng dẫn các bạn cách xử lý khi bị bóc phốt trên mạng một cách hiệu quả và đúng quy định pháp luật.

Bóc phốt trên mạng xã hội Facebook có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

(Ảnh minh họa)

Bóc phốt là một từ khá quen thuộc và không còn xa lạ đối với giới trẻ hiện nay, hàng ngày trên mạng xã hội xuất hiện các hội, nhóm có rất nhiều thành viên, từ đó các thành viên tham gia bóc phốt người khác sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường cho người bị bóc phốt.

1. Bóc phốt là gì?

Bóc phốt là một từ lóng có ý nghĩa phơi bày sự thật hoặc đưa ra những thông tin, chứng cứ để cáo buộc một cá nhân, tổ chức nào đó vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, hình thức này chủ yếu được người bóc phốt đưa lên mạng xã hội Facebook để mọi người cùng bình luận, đánh giá.

Hiện nay, hình thức bóc phốt được sử dụng nhiều nhất chính là đăng tải những nội dung liên quan đến thông tin của một cá nhân, tổ chức nào đó lên mạng xã hội Facebook, phổ biến nhất là những bài bóc phốt liên quan đến vấn đề ngoại tình, con giáp thứ 13, các bài phốt liên quan đến công ty, tổ chức làm ăn không uy tín, lừa đảo,…

Tuy nhiên, trước khi bóc phốt bất kỳ một chủ thể nào đó, người thực hiện hành vi cần phải tìm hiểu kỹ sự việc, sự việc mình chuẩn bị truyền đưa có chính xác hay không, có gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chủ thể khác không? Có làm tổn hại đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của người khác hay không…. để tránh vi phạm pháp luật.

2. Bóc phốt trên Facebook có vi phạm pháp luật?

Dưới góc độ pháp luật, hành vi bóc phốt trên mạng xã hội Facebook nếu thông tin bóc phốt đó không đúng sự thật là hành vi vi phạm pháp luật, tùy tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống.

Hành vi bóc phốt người khác khi chưa có kết luận điều tra, xác minh hay kết luận của cơ quan chức năng mà làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự nhân phẩm hoặc gây thiệt hại cho người khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, người gây thiệt hại sẽ phải bồi thường dân sự cho người bị hại.

Trong trường hợp hành vi bóc phốt chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.

Tại Điều 101 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định về hình thức cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống như sau:

– Nếu nội dung trong bài phốt đó là thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín danh dự nhân phẩm của người khác thì bị phạt hành chính, phạt từ 10 – 20 triệu đồng.

– Trường hợp trong bài bóc phốt mà tiết lộ thông tin bí mật đời tư của người khác mà chưa được sự đồng ý của họ, mức độ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.

– Ngoài ra, người bóc phốt đó còn phải khắc phục hậu quả bằng cách gỡ bỏ bài bóc phốt đó trên mạng xã hội

3. Bóc phốt trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hành vi bóc phốt trên mạng xã hội Facebook nếu không đúng sự thật thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, do đó tùy tính chất và mức độ vi phạm mà người bóc phốt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (theo Điều 155 BLHSS 2015) hoặc tội vu khống (Điều 156 BLHSS 2015).

3.1. Trường hợp bóc phốt trên Facebook bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác

Trong trường hợp người đăng bài bóc phốt người khác trên mạng xã hội Facebook mà xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người bị bóc phốt thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.

Tùy vào tính chất và mức độ gây thiệt hại của người bóc phốt mà khung hình phạt sẽ khác nhau. Theo đó, Điều 155 Bộ luật hình sự quy định như sau:

– Khung hình phạt thấp nhất của hành bóc phốt nhằm làm nhục người khác là phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm

– Trong trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì khung hình phạt là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm

– Trường hợp bóc phốt 2 người trở lên mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của họ thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm

– Trường hợp hành vi bóc phốt mà dẫn tới hậu quả gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm

– Trường hợp hành vi bóc phốt mà dẫn tới hậu quả gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 46% trở lên thì bị phạt tù từ 2 – 5 năm.

– Trường hợp bóc phốt chính người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

3.2. Trường hợp bóc phốt trên mạng xã hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống

Trong trường hợp người bóc phốt đăng tải những nội dung không đúng sự thật, bịa đặt thông tin mà người đó biết rõ đó là thông tin sai sự thật để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì đó là dấu hiệu của tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015.

Theo quy định tại điều 156 Bộ luật hình sự 2015 quy định khung hình phạt đối với tội vu khống như sau:

– Trường hợp bóc phốt sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm

– Trường hợp bịa đặt thông tin để bóc phốt người khác, sau đó tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm

– Trường hợp bóc phốt sai sự thật nhằm vu khống đối với 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 1 – 3 năm.

– Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để bóc phốt nhằm vu khống thì bị phạt tù từ 1 – 3 năm.

– Trường hợp bóc phốt sai sự thật nhằm vu khống đối với chính ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình thì bị phạt tù từ 1 – 3 năm.

– Trường hợp bóc phốt sai sự thật nhằm vu khống mà gây hậu quả rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% thì bị phạt tù từ 1 – 3 năm.

– Trường hợp bóc phốt sai sự thật gây hậu quả rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên thì bị phạt tù từ 3 – 7 năm

Như vậy, hành vi bóc phốt người khác trên mạng xã hội Facebook nếu đăng tải nội dung sai sự thật mà người đó biết rằng đó là thông tin sai sự thật để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Bóc bốt trên mạng xã hội đúng sự thật thì có vi phạm pháp luật không?

Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ quy định về hình thức truyền đưa thông tin sai sự thật chứ chưa quy định về hành vi cung cấp truyền đưa thông tin đúng sự thật, do đó trường hợp bóc phốt đúng sự thật thì theo quan điểm của chúng tôi là sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp bóc phốt mà xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.

Trong trường hợp người bóc phốt đúng sự thật, nhưng bên cạnh đó lại cung cấp, truyền đưa thông tin bí mật cá nhân, thông tin đời tư, thông tin bí mật kinh doanh của doanh nghiệp,… mà chưa được sự đồng ý của chủ thể đó thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, khi bóc phốt một chủ thể nào đó trên mạng xã hội, mọi người cần hết sức cẩn trọng để tránh vi phạm pháp luật.

Hiện nay, ngoài khía cạnh pháp luật ra thì còn khía cạnh đạo đức xã hội, người có hành vi bóc phốt người khác cũng có thể được xem là vi phạm đạo đức xã hội do hành vi của mình, bởi dù sao người bị bóc phốt ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, trừ trường hợp bóc phốt vì lợi ích của cộng đồng.

Tóm lại, hành vi bóc phốt người khác trên Facebook nếu thông tin sai sự thật là vi phạm pháp luật, nếu thông tin đúng sự thật thì cũng tùy trường hợp có tiết lộ thông tin bí mật đời tư, thông tin cá nhân của người khác hay không, có tiết lộ thông tin kinh doanh của doanh nghiệp hay không,… thì mới xác định được về mặt pháp lý.

Trên đây là phân tích mang tính chất tham khảo, mọi hành vi cần phải có kết luận điều tra hoặc kết luận của Tòa án thì mới có thể khẳng định được hành vi đó có vi phạm pháp luật hay là không.

5. Cách xử lý khi bị bóc phốt trên Facebook đúng quy định pháp luật

Bước 1: Lập vi bằng hành vi bóc phốt trên Facebook

Trước tiên, khi phát hiện ra mình hoặc doanh nghiệp của mình bị một người khác bóc phốt trên mạng xã hội thì hãy tiến hành thu thập chứng cứ, bằng cách lập vi bằng hành vi đó theo quy định pháp luật về vi bằng.

“Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này” 1.

Để lập vi bằng, các bạn liên hệ đến văn phòng thừa phát lại để làm hợp đồng lập vi bằng

Bước 2: Gửi chứng cứ cho cơ quan chức năng

Sau khi có vi bằng về hành vi bóc phốt, lúc này các bạn sẽ có 2 lựa chọn, đó là tố cáo hành vi đến cơ quan điều tra để khởi tố vụ án hình sự, hoặc kiện ra Tòa án dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

– Trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật:

Trường hợp nếu có căn cứ hành vi bóc phốt đó đủ cấu thành tội vu khống hoặc tội làm nhục người khác thì các bạn có thể tố cáo đến cơ quan chức năng để khởi tố vụ án hình sự. Các bạn có thể tố cáo đến Cơ quan điều tra (Công an) hoặc Viện kiểm sát nhân dân nơi người bóc phốt đang sinh sống, làm việc.

Trong trường hợp không biết người bóc phốt đang sinh sống, học tập, làm việc ở đâu thì các bạn tố cáo đến Cơ quan điều tra (Công an) hoặc Viện kiểm sát nhân dân nơi bạn đang sinh sống, học tập, làm việc.

– Trường hợp khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Trong trường hợp có căn cứ hành vi bóc phốt đó chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu hành vi đó làm tổn hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của bạn, hoặc làm thiệt hại đến doanh nghiệp của bạn thì các bạn cũng có thể kiện ra Tòa án dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trong trường hợp này, các bạn phải thu thập đầy đủ thông tin của người bóc phốt và nộp đơn đến Tòa án nhân dân nơi đối tượng bóc phốt đang sinh sống, học tập, làm việc để được giải quyết.

Bước 3: Cơ quan chức năng tiến hành xử lý, giải quyết hành vi bóc phốt

Sau khi nhận được đơn tố cáo/đơn kiện dân sự thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành giải quyết vụ việc như sau:

– Đối với hành vi phạm tội hình sự

Cơ quan chức năng sẽ xác minh và khởi tố vụ án hình sự, trong trường hợp có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, sau đó thì điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự đối vói hành vi bóc phốt đó.

– Đối với vụ việc khởi kiện dân sự

Sau khi nhận đơn kiện, Tòa án sẽ xem xét đơn kiện, yêu cầu bạn tạm đóng án phí và thu lý đơn kiện của bạn. Tiếp theo, Tòa án sẽ tiến hành các bước xác minh chứng cứ và giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự thông thường.

Như vậy, trên đây là cách xử lý khi bị bóc phốt trên mạng xã hội Facebook với 3 bước cơ bản, hy vọng sẽ giúp các bạn giải quyết vấn đề bị bóc phốt trên mạng xã hội một cách hiệu quả, chúc các bạn thành công!

4.9/5 - (14 bình chọn)

Bài nổi bật

Trình tự thủ tục đầu tư trong nước

Thủ tục đầu tư dự án trong nước theo quy định mới nhất

Trình tự thủ tục đầu tư trong nước là gì? Các điều kiện để thực …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *