Home / ⚖ Pháp luật / Người dân có được quay phim Cảnh sát giao thông không?

Người dân có được quay phim Cảnh sát giao thông không?

Có được quay phim Cảnh sát giao thông không? Công dân có được ghi âm, ghi hình Cảnh sát giao thông không? Công an có được quay phim người dân không (video có âm thanh, hình ảnh), Công dân có được quay phim tại trụ sở cơ quan nhà nước không? Đây là những vấn đề rất cần được làm rõ, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Hiện nay, tình trạng người dân quay video clip Cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ được tung lên mạng xã hội và nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau, dưới đây văn phòng Điều Tra Viên 126 sẽ phân tích các bạn những trường hợp nào thì người dân được quay phim Cảnh sát giao thông, khi quay video có âm thanh, hình ảnh thì phải tuân thủ những nguyên tắc nào.

1. Có được quay phim Cảnh sát giao thông không?

Người dân được phép quay phim (ghi âm, ghi hình) Cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ, tuy nhiên khi quay phim, ghi âm, ghi hình không được làm ảnh hưởng đến công việc của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, không được quay phim, ghi âm, ghi hình khu vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Có được quay phim Cảnh sát giao thông không?

(Người dân được quyền ghi âm, ghi hình, quay phim Cảnh sát giao thông, nhưng không được làm ảnh hưởng đến công việc mà họ đang thực hiện)

Căn cứ theo quy định tại điều 10 Thông tư 67/2019/TT-BCA

“Điều 10. Những việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ.

3. Việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ”.

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA

“Điều 11. Hình thức giám sát của Nhân dân

1. Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

3. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

4. Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

5. Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;

b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);

c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan”.

Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là gì? Theo định nghĩa tại khoản 2 điều 4 Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định như sau: “Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự. Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan”.

Như vậy, theo quy định tại điều 10 và khoản 5 điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA thì người dân có quyền quay phim (ghi âm, ghi hình) Cảnh sát giao thông nhưng không được làm ảnh hưởng đến công việc của họ đang làm, không được quay video (có âm thanh, hình ảnh) nơi bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Công an có được quay phim, video người dân không?

Công an được phép quay phim (video có âm thanh, hình ảnh) khi làm nhiệm vụ, nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của người dân, kết quả thu được từ video phải được ghi nhận bằng văn bản, và chỉ được sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính.

Căn cứ pháp lý theo quy định tại điều 6 của Thông tư 01/2016/TT-BCA cụ thể như sau:

“Điều 64. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính.

1. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

2. Việc quản lý, sử dụng và quy định danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Tôn trọng quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức;

b) Tuân thủ đúng quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

c) Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản và chỉ được sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính;

d) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền quy định.

3. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính”.

Về điều kiện của camera phải tuân thủ các nguyên tắc kỹ thuật theo quy định tại khoản 3 điều Điều 7 Thông tư 06/2017/TT-BGTVT, cụ thể như sau:

“Điều 7. Yêu cầu về phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

3. Đối với thiết bị ghi hình

a) Thiết bị ghi hình khi chụp hình ảnh thực tế phải bảo đảm hình ảnh có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây và địa điểm chụp hình;

b) Thiết bị ghi hình ảnh động (camera) khi ghi, thu hình ảnh thực tế, clip hình ảnh phải bảo đảm có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây, địa điểm ghi, thu hình ảnh, clip;

c) Trường hợp thiết bị ghi hình không có chức năng xác định địa điểm thì trong phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình phải ghi rõ địa điểm ghi hình”.

Như vậy, theo quy định tại điều 6 Thông tư 01/2016/TT-BCA và Điều 7 Thông tư 06/2017/TT-BGTVT thì Công an được quay phim người dân (video có âm thanh, hình ảnh), nhưng phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thiết bị phải đảm bảo kỹ thuật về nghiệp vụ.

Công dân có được quay phim tại trụ sở cơ quan nhà nước không?

Người dân (kể cả công dân nước ngoài) được phép quay phim tại trụ sở, cơ quan nhà nước, trừ các trường hợp là địa điểm quốc phòng, an ninh, và những nơi có đặt biển cấm quay phim, chụp hình, ghi âm, ghi hình, nếu vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật, xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 1 – 10 triệu đồng.

Căn cứ theo các điểm 2, 3 của Thông tư liên bộ 552-CA-VH quy định các địa điểm cấm quay phim, chụp ảnh bao gồm:

“2. Việc chụp ảnh, quay phim, vẽ trong phạm vi các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các công trình kiến thiết cơ bản có tính chất quan trọng trong toàn quốc, phải được phép của người thủ trưởng hoặc người phụ trách có thẩm quyền ở các nơi ấy.

3. Cấm chụp ảnh, quay phim, vẽ:

a) Những khu vực có căn cứ quân sự, có các cơ sở thuộc quốc phòng, các cuộc diễn tập hoặc các hoạt động quân sự.

b) Toàn cảnh khu vực các ga xe lửa, sân bay, hải cảng, các công trình thủy lợi lớn, các cầu dùng cho xe lửa và xe cơ giới, các đường ngầm.

c) Các viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các nhà máy điện, nhà máy nước, trạm phát điện, trạm biến thế điện lớn, trạm điện tín, đài vô tuyến điện, đài phát thanh.

d) Trong khu vực dọc biên giới, bờ biển (kể cả hải đảo và hải phận) và giới tuyến tạm thời do Nhà nước quy định, trừ những nơi nghỉ mát và những nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nằm trong khu vực này đã được Ủy ban hành chính khu, tỉnh hoặc thành phố sở tại quy định cho phép chụp ảnh, quay phim, vẽ với những điều kiện do Ủy ban ấn định.

e) Từ trên máy bay chụp xuống lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Căn cứ pháp lý tại điều 2 Quyết định 160/2004/QĐ-TTg xác định khu vực cấm, địa điểm cấm như sau:

“Điều 2. Khu vực cấm, địa điểm cấm gồm:

1. Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển.

2. Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.

3. Các kho dự trữ chiến lược quốc gia.

4. Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

5. Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).

6. Khi có tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, con người, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn, đe dọa nghiêm trọng, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, Nhà nước, mà Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) được quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tạm thời đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài”.

Như vậy, trên đây là giải đáp các bạn vấn đề người dân có được quay phim Cảnh sát giao thông không? Công an có được quay video, ghi âm, ghi hình người dân không? Có được quay phim tại trụ sở cơ quan nhà nước không, hy vọng các bạn sẽ có hiểu biết chính xác về vấn đề này để tránh vi phạm pháp luật, chúc các bạn thành công!

Tin tức khác:

Khi mất xe máy trình báo Công an có tìm lại được không?

Hướng dẫn cách tra cứu phạt nguội bằng hình ảnh online

Hướng dẫn cách nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến

Đi xe máy không chính chủ bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Hồ sơ, giấy tờ, thủ tục sang tên xe máy không chính chủ

5/5 - (11 bình chọn)

Bài nổi bật

Vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng video, tin tức mới nhất

Thông tin vụ án chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng mới nhất

Ngày 22/7/2022 xảy ra vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng kinh hoàng gây …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *