Home / ⚖ Pháp luật / Đình công là gì? Thực trạng đình công bất hợp pháp ở Việt Nam hiện nay

Đình công là gì? Thực trạng đình công bất hợp pháp ở Việt Nam hiện nay

Đình công là gì? Thực trạng đình công bất hợp pháp ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Thực trạng đình công và giải quyết đình công trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam cụ thể ra sao?

Đình công là một trong những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ lao động, việc người lao động tổ chức đình công là một trong những phương pháp bảo vệ lợi ích của mình một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, để tổ chức một cuộc đình công sao cho đúng quy định pháp luật và đạt hiệu quả cao nhất thì người lao động cần phải thông qua tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp để tổ chức và lãnh đạo, đồng thời cần phải tuân thủ những nguyên tắc, quy định cũng như kỹ năng và kinh nghiệm mới có thể tổ chức, lãnh đạo một cuộc đình công đúng pháp luật.

Hiện nay tại Việt Nam, các cuộc đình công đa số đều tự phát và vi phạm pháp luật, việc tổ chức đình công vi phạm pháp luật không những không mang lại hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể, mà còn mang lại những hệ lụy và hậu quả khác do người lao động gây ra khi tổ chức đình công trái pháp luật.

Khái niệm đình công là gì?

– Theo Điều 198 BLLĐ 2019: “Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo”.

Như vậy, đình công là quyền lợi của người lao động được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, tuy nhiên người lao động khi muốn đình công thì cũng phải thông qua tổ chức đại diện người lao động và phải tuân thủ quy trình thủ tục, và những quy định khác của pháp luật.

1.1. Những trường hợp người lao động có quyền đình công

Những trường hợp tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thuộc điều 199 Bộ luật lao động 2019 thì được đình công, cụ thể các trường hợp sau đây:

“Điều 199. Trường hợp người lao động có quyền đình công

  1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
  2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động”[2].

Như vậy, việc đình công phải là vấn đề tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, còn đối với các trường hợp tổ chức đình công khi tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động về quyền là sai quy định pháp luật.

1.2. Những trường hợp đình công bất hợp pháp

Theo quy định tại điều 204 Bộ luật lao động 2019 quy định cụ thể những trường hợp đình công trái pháp luật như sau:

“Điều 204. Trường hợp đình công bất hợp pháp

  1. Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.
  2. Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
  3. Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.
  4. Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
  5. Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.
  6. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này”[3].

1.4. Những nơi sử dụng lao động không được đình công

– Những nơi sử dụng lao động không được đình công

Căn cứ pháp lý tại điều 209 BLLĐ 2019 quy định những nơi sử dụng lao động không được đình công như sau:

“Điều 209. Nơi sử dụng lao động không được đình công

  1. Không được đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
  2. Chính phủ quy định danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công quy định tại khoản 1 Điều này”[4].

– Danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công

– Căn cứ pháp lý tại điều 105 Nghị định Số: 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công gồm: “Những doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe con người theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này[5].

– Cụ thể, các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc danh mục này được quy định tại Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2015, bao gồm:

+ “Sản xuất điện có công suất lớn, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia;

+ Thăm dò và khai thác dầu khí; sản xuất, cung cấp khí, gas;

+ Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải;

+ Cung cấp hạ tầng mạng viễn thông; dịch vụ bưu chính phục vụ các cơ quan nhà nước;

+ Cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng”[6].

2. Trình tự thủ tục khi đình công

– Bước 1: Lấy ý kiến về đình công

“Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công quy định tại Điều 198 BLLĐ 2019 có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng”[8].

– Nội dung lấy ý kiến đình công bao gồm:

+ Đồng ý hay không đồng ý:

Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp lấy  ý kiến của tất cả người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động bằng hình thức lấy phiếu, hoặc chữ ký, hoặc các hình thức khác… (Điểm a khoản 2 điều 201 BLLĐ 2019).

– Phương án đình công:

Các phương án khi đình công bao gồm: Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công; Phạm vi tiến hành đình công; Yêu cầu của người lao động. (Điểm b khoản 2 điều 201; Điểm b, c và d khoản 2 Điều 202 BLLĐ 2019).

– Hình thức lấy ý kiến:

Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác. (Khoản 3 điều 201 BLLĐ 2019)

– Thông báo về việc lấy ý kiến về đình công

“Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày”[9].

Như vậy, ít nhất 1 ngày trước khi tổ chức lấy ý kiến thì tổ chức đại diện người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động biết về việc tổ chức lấy ý kiến về đình công.

+ Tổ chức đại diện người lao động khi tổ chức lấy ý kiến về đình công phải đảm bảo được vấn đề hoạt động sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động không bị ảnh hưởng. (Khoản 4 điều 201 BLLĐ 2019)

+ Khi tổ chức lấy ý kiến về đình công, người sử dụng lao động không được gây khó khăn hoặc thực hiện các biện pháp cản trở, thao túng quá trình lấy ý kiến của người lao động về đình công. ( Khoản 4 điều 201 BLLĐ 2019)

Bước 2: Ra quyết định đình công và thông báo đình công

– Ra quyết định đình công:

Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công thì tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản (không tính những người bỏ phiếu trống, hoặc không bỏ phiếu, hoặc không tham gia lấy ý kiến…) – Khoản 1 điều 202 BLLĐ 2019.

– Nội dung của quyết định đình công:

Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:

– Kết quả lấy ý kiến đình công:

Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp khi ra quyết định đình công phải ghi kết quả lấy ý kiến đình công trước đó trong quyết định. (Điểm a khoản 2 điều 202 Luật lao động 2019)

– Thời gian, địa điểm bắt đầu đình công:

Trong quyết định đình công phải ghi rõ thời điểm bắt đầu đình công và địa điểm đình công. Mục đích là để người lao độngvà người sử dụng lao động biết nhằm sắp xếp thời gian và các công việc khác cho hợp lý. (Điểm b khoản 2 điều 202 BLLĐ 2019)

– Phạm vi tiến hành đình công:

Trong quyết định phải ghi rõ phạm vi sẽ tiến hành đình công cụ thể. (Điểm c khoản 2 điều 202 BLLĐ 2019)

– Yêu cầu của người lao động:

Trong quyết định cần phải ghi rõ yêu cầu của người lao động về giải quyết tranh chấp lao động, hoặc các vấn đề khác có liên quan để người sử dụng lao động biết, nếu người sử dụng lao động không đồng ý với yêu cầu của người lao động thì họ sẽ tiến hành đình công. (Điểm d khoản 2 điều 202 BLLĐ 2019)

– Thông tin người đại diện tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công:

Ghi rõ họ tên, chức vụ, thông tin liên hệ trong tổ chức đại diện người lao động và thông tin của người lãnh đạo đình công (Điểm đ khoản 2 điều 202 BLLĐ 2019)

– Thông báo đình công:

Trước ngày bắt đầu đình công ít nhất 5 ngày, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động, UBND cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh (Khoản 3 điều 202 BLLĐ 2019)

– Trường hợp bị hoãn, hoặc ngừng đình công

Trong trường hợp “xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn hoặc ngừng đình công[10].

Việc ra quyết định hoãn hoặc ngừng đình công và giải quyết quyền lợi của người lao động do chủ tịch UBND cấp tỉnh ký phải tuân theo các quy định của chính phủ hướng dẫn. (Khoản 2 điều 210 BLLĐ 2019).

Nếu như chủ tịch UBND cấp tỉnh không ra quyết định hoãn hoặc ngừng đình công thì đến thời điểm đình công, tổ chức đại diện người lao động, ban lãnh đạo có quyền tổ chức đình công theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Tiến hành đình công

Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của  thì tngười lao độngổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công”[11].

Mặc dù trong Bộ luật lao động 2019 chưa quy định cụ thể quá trình đình công, nhưng người lao động, tổ chức đại diện người lao động, ban lãnh đạo đình công phải tuân thủ những nguyên tắc dưới đây.

3. Nguyên tắc và lưu ý trước khi đình công

3.1. Nguyên tắc khi đình công:

– Địa điểm đình công: Chỉ được đình công trong phạm vi địa điểm đình công mà trong quyết định đình công đã ghi trước đó

– Phạm vi đình công: Chỉ được đình công trong phạm vi mà quyết định đình công đa nêu trước đó.

– Không được dùng bạo lực; hủy hoại máy móc, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động. (khoản 2 điều 208 BLLĐ 2019)

– Không được xâm phạm trật tự, an toàn công cộng trong quá trình đình công. (khoản 3 điều 208 BLLĐ 2019)

– Không được lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. (khoản 6 điều 208 BLLĐ 2019)

– Tổ chức đình công phải đúng quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật.

3.2. Đình công sai quy trình, thủ tục thì xử lý như thế nào?

– Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được thông báo về cuộc đình công không tuân theo quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động phối hợp với công đoàn cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và đại diện ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để nghe ý kiến, hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.

– Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì lập biên bản, tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

– Đối với các nội dung tranh chấp lao động thì tùy từng loại tranh chấp, hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này”[12].

3.3. Tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác của người lao động trong thời gian đình công:

“người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của BLLĐ 2019 và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động”[13].

Theo quy định tại khoản 2 điều 99 BLLĐ 2019 thì trong trường hợp này, người lao động sẽ được hưởng lương theo sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Ví dụ: Nếu mức lương tối thiểu thời điểm người lao động bị ngừng việc là 4.420.000 đ / tháng 30 ngày ( khoảng 147,333 đ / ngày) thì khi người lao động và người sử dụng lao động thương lượng về mức lương nghỉ việc do đình công, nhưng không được thấp hơn mức 147,333 đ / ngày.

Ngoài ra, người lao độngkhông tham gia đình công còn được hưởng những quyền lợi khác theo quy định củ pháp luật về Lao động.

– “Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác[14].

Như vậy, người lao động khi tham gia đình công sẽ không được hưởng lương và quyền lợi khác trong những ngày tham gia đình công đó. Trừ những trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận khác vẫn được hưởng nguyên lương, hoặc hưởng 1 phần, hoặc trợ cấp… Tuy nhiên, trên thực tế việc người lao động và người sử dụng lao động đạt được thỏa thuận này là rất khó.

4. Quyền của các bên trước và trong khi đình công

Trước và trong quá trình đình công, các bên có quyền“tiếp tục thỏa thuận để giải quyết nội dung tranh chấp lao động tập thể hoặc cùng đề nghị hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động”[15].

4.1. Quyền của tổ chức đại diện người lao động đang lãnh đạo cuộc đình công:

– Rút quyết định đình công nếu chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình công (Điểm a khoản 2 điều 203 BLLĐ 2019)

Trong trường hợp chưa đình công nhưng có một số vấn đề liên quan khác như: người sử dụng lao động đã chấp nhận hoặc chấp nhận 1 phần yêu cầu của người lao động, hoặc trong trường hợp tổ chức đại diện người lao độngĐ thấy thiếu quy trình, sai thủ tục… thì có thể rút lại quyết định đình công, hoặc cũng có thể chấm dứt cuộc đình công.

Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp. (Điểm b khoản 2 điều 2013 BLLĐ 2019)

Trong trường hợp đang đình công mà người sử dụng lao động khởi kiện, hoặc gây những cản trở ảnh hưởng đến việc đình công thì tổ chức đại diện người lao động, lãnh đạo cuộc đình công có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp để tiếp tục đình công theo đúng quy định của pháp luật.

4.2. Quyền của người sử dụng lao động

– Chấp nhận toàn bộ hoặc 1 phần yêu cầu của người lao động

Trước khi quá trình đình công và trong quá trình đình công, người sử dụng lao động có quyền “chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công”[16].

– Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công

Trong thời gian đình công, nếu như người sử dụng lao động muốn đóng cửa tạm thời nơi làm việc để bảo vệ tài sản, hoặc do số lượng người lao động tham gia đình công nhiều dẫn tới không đủ nhân công, không đủ điều kiện để hoạt động… Thì người sử dụng lao động có quyền đóng cửa tạm thời nơi làm việc (điểm b khoản 3 điều 203 BLLĐ 2019)

Tuy nhiên, việc đóng cửa tạm thời nơi làm việc cũng phải tuân thủ những quy định cụ thể như sau:

+ Niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc tại nơi làm việc

Ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc, người sử dụng lao động phải niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc tại nơi làm việc. (Điều 205 BLLĐ 2019)

+ Thông báo đóng cửa tạm thời nơi làm việc đến cơ quan chức năng:

Ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc, người sử dụng lao động phải thông báo cho các cơ quan, tổ chức sau đây: Tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công; UBND cấp tỉnh có nơi làm việc dự kiến đóng cửa; UBND cấp huyện có nơi làm việc dự kiến đóng cửa.

+ Những trường hợp cấm đóng cửa tạm thời nơi làm việc: Trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công; và sau khi người lao động ngừng đình công. (Điều 206 BLLĐ 2019)

– Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp

Trong trường hợp người sử dụng lao động phát hiện cuộc đình công diễn ra trái pháp luật, đang vi phạm các nguyên tắc, trình tự thủ tục đình công, hoặc người lao độngđình công nhưng phá hoại tài sản của doanh nghiệp… Thì người sử dụng lao động cũng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công bất hợp pháp, yêu cầu chấm dứt việc đình công. (điểm c khoản 3 điều 203 BLLĐ 2019)

5. Các hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công

5.1. Nghiêm cấm hành vi “Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc[17].

Áp dụng đối với người sử dụng lao động: Nghiêm cấm người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp để cản trở, ngăn chặn quyền đình công của người lao động.

– Áp dụng đối với tổ tổ chức đại diện người lao động, lãnh đạo, người lao động:

+ Nghiêm cấm các hành vi kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động khác tham gia đình công.

+ Nghiêm cấm các hành vi hoặc thực hiện các biện pháp cản trở những người lao động không tham gia đình công khi họ đi làm việc trở lại.

5.2. Nghiêm cấm dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động (Khoản 2 điều 208 BLLĐ 2019)

– Áp dụng đối với người lao động: Trước, trong và sau khi tham gia đình công, nghiêm cấm các hành vi dùng bạo lực và những hành vi gây thiệt hại về vật chất cho người sử dụng lao động.

Ví dụ: Khi tham gia biểu tình, nghiêm cấm mọi hành vi đánh người sử dụng lao động, nghiêm cấm các hành vi đập phá máy móc tài sản của người sử dụng lao động, nghiêm cấm các hành vi trộm cắp tài sản, những hành vi gây thiệt hại cho người sử dụng lao động…

– Áp dụng đối với người sử dụng lao động:

+ Nghiêm cấm các hành vi dùng vũ lực tấn công vào người lao động tham gia biểu tình, hoặc “thuê lực lượng khác” để tấn công người lao động tham gia biểu tình.

+ Nghiêm cấm người sử dụng lao động tự phá hủy tài sản của mình (hoặc thuê người khác phá hủy tài sản) nhằm mục đích “đổ tội” cho người lao động tham gia biểu tình phá hoại để bắt bồi thường, đền bù…

5.3. Nghiêm cấm xâm phạm trật tự, an toàn công cộng. (Khoản 3 điều 208 BLLĐ 2019)

Áp dụng đối với người lao động và người sử dụng lao động: Nghiêm cấm việc người lao động biểu tình, hoặc người sử dụng lao động cản trở việc biểu tình mà xâm phạm đến an ninh trật tự, an toàn công cộng.

Ví dụ: Khi tham gia biểu tình, người lao động biểu tình vượt phạm vi ra ngoài, làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến giao thông, ảnh hưởng đến các vấn đề an toàn công cộng… Tất cả những hành vi xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng đều bị cấm.

5.4. Nghiêm cấp những hình thức chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc xử lý kỷ luật, hoặc thuyên chuyển sang công việc khác đối với người lao động, người lãnh đạo cuộc đình công

– Pháp luật nghiêm cấm việc “Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công[18].

+ Nghiêm cấm việc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng đối với người lao động, người lãnh đạo đình công vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

+ Nghiêm cấm việc người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

+ Nghiêm cấm việc người sử dụng lao động điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

5.5. Nghiêm cấm việc trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công (khoản 5 điều 208 BLLĐ 2019).

Áp dụng đối với người sử dụng lao động: Nghiêm cấm mọi hành vi nhằm trả thù, hoặc trù dập lãnh đạo và người lao động tham gia đình công.

Ví dụ: người sử dụng lao động tự mình, hoặc thuê người khác để hành hung người người lao động tham gia biểu tình, lãnh đạo đình công nhằm mục đích trả thù… thì tất cả các hành vi nhằm mục đích trả thù, trù dập đều bị nghiêm cấm.

5.6. Nghiêm cấm việc lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (khoản 6 điều 208 BLLĐ 2019).

Pháp luật nghiêm cấm việc người lao động, lãnh đạo cuộc đình công, người sử dụng lao động lợi dụng việc đình công để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật khác. Những trường hợp lợi dụng việc đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

6. Thực trạng đình công bất hợp pháp ở Việt Nam hiện nay và giải quyết đình công trong giai đoạn hiện nay

– Do người lao động không hiểu rõ quy định của pháp luật về đình công

Hầu hết các lao động là những công nhân xuất thân từ những vùng nông thôn, do vậy họ chưa có tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp, chưa thực sự hiểu rõ quy định pháp luật về lao động, chưa biết cách bảo vệ quyền và lợi ích của mình theo đúng quy định pháp luật… Do vậy mà họ dễ bị lôi kéo, dễ kích động khi sự việc có liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

Từ những vấn đề trên sẽ dẫn tới những trường hợp đình công trái pháp luật, mà nguyên nhân chủ yếu của những cuộc đình công là do bất mãn về tiền lương, thời gian làm việc, chế độ đãi ngộ…Và chủ yếu vẫn là những cuộc đình công tự phát (Vi phạm tại khoản 2 điều 204 BLLĐ 2019)

– Do người sử dụng lao động chưa thực sự đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Đa số người sử dụng lao động đều muốn tận dụng nguồn lực của người lao động một cách tối đa, họ muốn tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp mình lên cao nhất, từ đó họ bắt đầu tăng cường độ lao động, tăng ca, cắt giảm tiền thưởng… của người lao động.

Thực trạng đình công và giải quyết đình công trong giai đoạn hiện nay
Thực trạng đình công bất hợp pháp ở Việt Nam hiện nay – Ảnh minh họa

Thậm trí, một số doanh nghiệp còn không ký hợp đồng lao động với người lao động, nợ tiền lương của người lao động, … Bên cạnh đó còn có một số chủ doanh nghiệp quản lý hà khắc, phân biệt đối xử vùng miền, xúc phạm đến danh dự và nhân phân của người lao động…

Xuất phát từ những vấn đề trên, người lao động thường bức xúc, bị dồn nén cảm xúc lâu ngày sẽ dẫn tới những hành vi phản đối, trong đó có trường hợp đình công tự phát, dẫn tới tình trạng đình công trái pháp luật Việt Nam. (Vi phạm tại khoản 2 điều 204 BLLĐ 2019)

Thậm trí còn có một số trường hợp người lao động trong khi biểu tình có sử dụng vũ lực, đập phá máy móc thiết bị của người sử dụng lao động để trả đũa cho hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người sử dụng lao động. (Vi phạm tại khoản 2 điều 208 BLLĐ 2019)

– Vai trò của người lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động còn mờ nhạt

Thực tế hiện nay tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp chiếm tỉ lệ thấp. Bên cạnh đó, những người trong lãnh đạo trong tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp cũng là những người lao động, họ cũng chịu áp lực về thu nhập, chịu sức ép về việc làm… Tất cả những vấn đề này đều phụ thuộc vào chính doanh nghiệp nơi họ đang làm việc.

Do vậy, họ chưa thực sự có tiếng nói, chưa phát huy được tác dụng và trách nhiệm của mình trong việc đại diện quyền và lợi ích cho người lao động… Dẫn tới tình trạng khi gặp trường hợp mẫu thuẫn hoặc tranh chấp lao động thì người lao động tự mình đứng lên đấu tranh giành quyền và lợi ích cho bản thân. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công tự phát trái pháp luật tại Việt Nam. (Vi phạm tại khoản 2 điều 204 BLLĐ 2019)

– Do thiếu kinh nghiệm trong đối thoại, thương lượng tập thể, không có khả năng đàm phán lành mạnh giữa người lao động và người sử dụng lao động

Do phía bên người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức đối thoại và thương lượng tập thể, thiếu kỹ năng trong việc đàm phán một cách lành mạnh giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Thực trạng đình công và giải quyết đình công trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam

(Thực trạng đình công và giải quyết đình công trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam – Ảnh minh họa)

Từ đó, người lao động không đạt được mục đích của mình khi thương lượng và đàm phán, còn phía bên người sử dụng lao động thì không chấp nhận yêu cầu của người lao động hoặc chấp nhận 1 phần… Do vậy, người lao động không còn tin vào ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp nữa, cộng với bức xúc thì sẽ dẫn tới tình trạng đình công tự phát, đình công không thông qua tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp.

– Do cơ chế giải quyết tranh chấp lao động chưa hiệu quả, pháp luật không cho phép đình công về quyền.

Theo quy định pháp luật chỉ được đình công khi tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, còn đối với những tranh chấp lao động về quyền thì pháp luật chưa cho phép đình công.

Vậy thì, đặt ra một vấn đề: Khi xảy ra tranh chấp lao động về quyền, người lao động sẽ có những phương pháp giải quyết thông qua trọng tài viên, hoặc thông qua hội đồng trọng tài lao động, hoặc Tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, cơ chế giải quyết thông qua các phương pháp này chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, mất nhiều thời gian, thủ tục rườm rà, phức tạp… Mà khi không mang lại hiệu quả cao thì tất nhiên người ta sẽ lựa chọn phương pháp khác, đó chính là đình công. Và đây cũng là một lý do mà các cuộc đình công trái pháp luật.

– Do tâm lý của người lao động nôn nóng, quá bức xúc với người sử dụng lao động

Khi liên quan đến quyền lợi của bất kỳ một ai thì hầu như mọi người đều có tâm lý chung đó là nôn nóng, muốn được giải quyết cho quyền lợi của mình một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, do tâm lý bức xúc đối với người sử dụng lao động và cách hành xử, giải quyết của người sử dụng lao động chưa thực sự đáp ứng, giải quyết được vấn đề mà người lao động đang quan tâm.

Xuất phát từ những nguyên nhân trên mà một nhóm người lao động tự ý đình công một cách tự phát mà không thông qua tổ chức đại diện người lao động, hoặc thông qua tổ chức đại diện người lao động nhưng lãnh đạo cũng mang tâm lý nôn nóng và bức xúc mà dẫn tới tình trạng tổ chức thiếu quy trình, sai thủ tục… Và đây cũng là một lý do dẫn tới những cuộc đình công trái pháp luật tại Việt Nam hiện nay.

– Do trình tự, thủ tục đình công rườm rà phức tạp, mất nhiều thời gian

Theo quy định pháp luật, để đình công thì phải tuân thủ theo đúng quy trình và thủ tục 3 bước: Lấy ý kiến về đình công; Ra quyết định đình công; Tiến hành đình công ( Điều 200 BLLĐ 2019). Thời gian để hoàn thành các thủ tục và quy trình mất nhiều thời gian nên người lao động không đợi được đến khi hoàn tất cả thủ tục trên.

Bên cạnh đó, thủ tục và trình tự đình công phức tạp, dẫn tới trở ngại về mặt pháp lý, làm cho người lao động cũng như tổ chức đại diện người lao động và ban lãnh đạo đình công khó tiếp cận, hoặc tiếp cận sai, thiếu thủ tục về mặt pháp lý…

Để hoàn thiện các thủ tục để tổ chức được 1 cuộc đình công ở cơ sở cho đúng luật thì phải mất 20 đến 22 ngày. Trong khi đó, bức xúc của người lao động không chờ được đến lúc hoàn tất các thủ tục”[19]. Từ đó dẫn tới tình trạng sai quy trình, thiếu thủ tục, và hậu quả là đình công trái pháp luật.

– Chú thích tham khảo:

[1] Điều 198 Bộ luật lao động 2019

[2] Điều 199 Bộ luật lao động 2019

[3] Điều 204 Bộ luật lao động 2019

[4] Điều 209 Bộ uật lao động 2019

[5] Nghị định Số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020

[6] Nghị định số 93/2015/NĐ-CP (ngày 15 tháng 10 năm 2015);

[7] Điều 199 Luật lao động 2019

[8] Khoản 1 Điều 201 Luật lao động 2019

[9] Khoản 4 điều 201 Luật lao động 2019

[10] Khoản 1 điều 210 Luật lao động 2019

[11] Khoản 4 điều 202 Luật lao động 2019

[12] Điều 211 Luật lao động 2019

[13] Khoản 1 điều 207 Luật lao động 2019

[14] Khoản 2 điêu 207 Luật lao động 2019

[15] Khoản 1 điều 203 Luật lao động 2019

[16] Điểm a khoản 3 điều 203 BLLĐ 2019

[17] Khoản 1 điều 208 Luật lao động 2019

[18] Khoản 4 điều 208 Luật lao động 2019

5/5 - (3 bình chọn)

Bài nổi bật

Vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng video, tin tức mới nhất

Thông tin vụ án chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng mới nhất

Ngày 22/7/2022 xảy ra vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng kinh hoàng gây …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *