Home / ⚖ Pháp luật / Một số vấn đề liên quan đến “Hành vi pháp lý đơn phương”

Một số vấn đề liên quan đến “Hành vi pháp lý đơn phương”

Hành vi pháp lý đơn phương là gì cho vi dụ? Hành vi pháp lý đơn phương điều mấy trong Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015)? Căn cứ để hành vi pháp lý đơn phương phát sinh nghĩa vụ được quy định như thế nào trong BLDS 2015? Bảo lãnh không được xem là hành vi pháp lý đơn phương?

trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều hành vi pháp lý, đa số đều được xác lập từ ít nhất 2 chủ thể trở lên, tuy nhiên vẫn có những hành vi pháp lý được xác lập bởi 1 chủ thể duy nhất và nó vẫn có hiệu lực làm phát sinh quyền, nghĩa vụ liên quan. Dưới đây là một số vấn đề này.

1. Hành vi pháp lý đơn phương là gì cho ví dụ

Hành vi pháp lý đơn phương là một giao dịch dân sự thể hiện ý chí của một bên làm căn cứ để phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự. Ví dụ như người lập di chúc (thể hiện ý chí của một bên là người lập di chúc), hoặc ví dụ như hành vi từ chối hưởng thừa kế cũng thể hiện ý chí của một bên phát sinh quyền, nghĩa vụ.

Như vậy, đặc điểm chính dễ nhận biết nhất của hành vi pháp lý đơn phương chính là chủ thể tham gia xác lập chỉ có 1 chủ thể duy nhất, sau khi xác lập thì có hiệu lực pháp luật và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự.

Hành vi pháp lý đơn phương là gì cho ví dụ

– Ví dụ về hành vi pháp lý đơn phương: Lập di chúc (phát sinh ý chí từ một chủ thể duy nhất chính là người lập di chúc), hoặc hành vi từ chối nhận di chúc cũng là hành vi pháp lý đơn phương

– Hành vi pháp lý đơn phương được quy định tại các điều 8, điều 116, điều 275, và điều 684 BLDS 2015 quy định về Căn cứ xác lập quyền dân sự, Giao dịch dân sự, Căn cứ phát sinh nghĩa vụ, và yếu tố nước ngoài trong hành vi.

1.1. Hành vi pháp lý đơn phương là một giao dịch dân sự

Tại điều 116 BLDS 2015 quy định:

“Điều 116. Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” 1.

Như vậy, mặc dù hành vi pháp lý đơn phương được thiết lập dựa trên ý chí của một chủ thể duy nhất, nhưng nó vẫn được xem là một giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà các yếu tố để một hành vi pháp lý đơn phương có hiệu lực pháp luật cụ thể.

Theo quy định tại điều 117 BLDS 2015 quy định những điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật như sau:

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định” 2.

1.2. Hành vi pháp lý đơn phương là căn cứ phát sinh quyền

Tại khoản 2 điều 8 và khoản 1 điều 117 BLDS 2015 quy định hành vi pháp lý đơn phương là căn cứ phát sinh quyền nếu chủ thể tham gia xác lập hành vi pháp lý đơn phương hoàn toàn tự nguyện, có đủ năng lực hành vi dân sự, mục đích của hành vi không trái với quy định pháp luật, đạo đức xã hội.

Khoản 2 điều 8 BLDS 2015 quy định:

“Điều 8. Căn cứ xác lập quyền dân sự

Quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:

1. Hợp đồng;

2. Hành vi pháp lý đơn phương;

3. Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật;

4. Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;

5. Chiếm hữu tài sản;

6. Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;

7. Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật;

8. Thực hiện công việc không có uỷ quyền;

9. Căn cứ khác do pháp luật quy định” 3

1.3. Hành vi pháp lý đơn phương là căn cứ phát sinh nghĩa vụ

Tại khoản 2 điều 275 và khoản 1 điều 117 BLDS 2015 quy định hành vi pháp lý đơn phương là căn cứ phát sinh nghĩa vụ nếu như chủ thể xác lập hành vi pháp lý đơn phương hoàn toàn tự nguyện, có đủ năng lực hành vi dân sự, mục đích của hành vi không trái với quy định pháp luật, đạo đức xã hội.

Khoản 2 điều 275 BLDS 2015 quy định:

“Điều 275. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ

Nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ sau đây:

1. Hợp đồng;

2. Hành vi pháp lý đơn phương;

3. Thực hiện công việc không có uỷ quyền;

4. Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;

5. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật;

6. Căn cứ khác do pháp luật quy định” 4.

Như vậy, hành vi pháp lý đơn phương là căn cứ phát sinh nghĩa vụ nếu như chủ thể tham gia xác lập đáp ứng được các điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực được quy định cụ thể tại điều 117 BLDS 2015.

2. Bảo lãnh không được xem là hành vi pháp lý đơn phương

Theo điều 335 BLDS 2015 quy định thì bảo lãnh không được xem là hành vi pháp lý đơn phương bởi vì hành vi bảo lãnh là một giao dịch dân sự dựa trên ý chí của 3 bên (bên nhận bảo lãnh, bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh), bảo lãnh chỉ có hiệu lực pháp luật khi có sự đồng ý của cả 3 bên.

Bảo lãnh là một giao dịch dân sự không được xem là hành vi pháp lý đơn phương, bởi việc bảo lãnh là thể hiện ý chí giữa 3 bên, và việc bảo lãnh chỉ có hiệu lực pháp luật khi có sự tự do ý chí và đồng thuận giữa các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Ví dụ: Bên A vay tiền ngân hàng B, bên A không có khả năng thanh toán nợ thì nhờ C bảo lãnh trả nợ cho ngân hàng, lúc này C là bên nhận bảo lãnh và làm phát sinh nghĩa vụ phải trả nợ cho ngân hàng, tuy nhiên hành vi bảo lãnh này chỉ có hiệu lực nếu như có sự đồng ý của cả 3 bên A, B, C.

Điều 335 BLDS 2015 quy định:

“Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh” 5.

3. Hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương

Tại khoản 1 điều 572 BLDS 2015 quy định trường hợp một công việc được hứa thưởng do một người thực hiện thì khi công việc hoàn thành, người thực hiện công việc đó được nhận thưởng. Như vậy, hành vi hứa thưởng cũng là một hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh nghĩa vụ trả thưởng.

Điều 570 BLDS 2015 quy định:

“Điều 570. Hứa thưởng

1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.

2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội” 6.

Điều 572 BLDS 2015 quy định:

“Điều 572. Trả thưởng

1. Trường hợp một công việc được hứa thưởng do một người thực hiện thì khi công việc hoàn thành, người thực hiện công việc đó được nhận thưởng” 7.

Như vậy, hứa thưởng là việc chủ thể tự mình công bố việc thưởng theo công việc mà không cần có sự đồng ý của chủ thể khác k, đây là căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ trả thưởng khi chủ thể khác hoàn thành công việc theo yêu cầu, do vậy nó là hành vi pháp lý đơn phương có hiệu lực.

Ví dụ: Ca sỹ A hứa thưởng sẽ thưởng cho đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam 1 tỷ đồng nếu như đội tuyển U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan. Việc này không cần có sự đồng ý hay cam kết của đội tuyển U23 Việt Nam, sau khi kết thúc trận đấu U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan thì ca sỹ A kia phải có nghĩa vụ trả thưởng đúng 1 tỷ đồng cho đội tuyển U23 Việt Nam như đã hứa trước đó.

4. Hành vi pháp lý đơn phương có yếu tố nước ngoài

Trường hợp hành vi pháp lý đơn phương có yếu tố nước ngoài thì việc xác lập hiệu lực và quyền, nghĩa vụ trong hành vi đó được tiến hành theo pháp luật của của nước nơi cá nhân xác lập hành vi đó cư trú hoặc nơi pháp nhân xác lập hành vi đó được thành lập.

Ví dụ: A là người Hàn Quốc tiến hành lập di chúc để lại tài sản thừa kế cho B là người Việt Nam, lúc này pháp luật để xác định hình thức của di chúc sẽ là pháp luật Hàn Quốc (nếu như A đang cư trú tại Hàn Quốc), hoặc theo pháp Luật Việt Nam (nếu như A đang cư trú tại Việt Nam)

Tại điều 684 BLDS 2015 quy định về hành vi pháp lý đơn phương có yếu tố nước ngoài như sau:

“Điều 684. Hành vi pháp lý đơn phương

Pháp luật áp dụng đối với hành vi pháp lý đơn phương là pháp luật của nước nơi cá nhân xác lập hành vi đó cư trú hoặc nơi pháp nhân xác lập hành vi đó được thành lập” 8.

Như vậy, để xác định luật áp dụng cho một hành vi pháp lý đơn phương có yếu tố nước ngoài thì cần phải xác định theo nguyên tắc “Luật nhân thân”, nghĩa là xem xét đến khía cạnh nơi cư trú của chủ thể tham gia xác lập hành vi.

– Tin tiếp theo: Một số vấn đề liên quan khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại

5/5 - (2 bình chọn)

Bài nổi bật

Vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng video, tin tức mới nhất

Thông tin vụ án chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng mới nhất

Ngày 22/7/2022 xảy ra vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng kinh hoàng gây …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *