Home / ⚖ Pháp luật / Hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi bị xử lý như thế nào?

Hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi bị xử lý như thế nào?

Lợi dụng tôn giáo để trục lợi bị xử lý như thế nào? Hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kêu gọi người khác quyên góp nhằm mục đích trục lợi cá nhân bị xử phạt như thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Dưới đây là phân tích chi tiết các vấn đề này.

Hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi bị xử lý như thế nào?

(Ông Lê Tùng Vân trong một lần làm việc với cơ quan chức năng (theo VOV) – Ảnh VTV.vn)

Thời gian gần đây, vấn đề một số cơ sở tôn giáo có dấu hiệu lợi dụng tín các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi được nhiều người bàn tán trên mạng xã hội, đây là một trong những vấn đề nếu không hiểu rõ quy định pháp luật thì rất dễ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, thậm trí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dưới đây là các quy định liên quan đến vấn đề này.

1. Hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi bị xử lý như thế nào?

Hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi có thể bị xử phạt hành chính từ 2 – 3 triệu đồng, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh tại điều 331 BLHS 2015 mức phạt cao nhất lên đến 7 năm, hoặc bị truy cứu tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khung hình phạt từ 6 tháng đến tù chung thân.

Theo quy định tại khoản 5 điều Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 thì hành vi “Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi bị nghiêm cấm” tùy thuộc vào mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

1.1.Trường hợp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng

Hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi có thể bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng nếu có căn cứ “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Căn cứ pháp lý về xử phạt hành chính cho hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi được quy định cụ thể tại điểm g khoản 3 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP cụ thể như sau:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

g) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Trong trường hợp trước đó đã bị xử phạt hành chính rồi thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, tính chất của vụ việc mà người có hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi sẽ bị xử phạt tương ứng với tội danh.

1.2. Trường hợp bị truy cứu TNHS “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Trường hợp người vi hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi mà ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những tổ chức, cá nhân quyên góp tiền, vật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam.

Căn cứ theo quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự 2015 quy định cụ thể như sau:

“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Trường hợp này thường ít khi xảy ra, do người thực hiện hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi chỉ nhằm mục đích kêu gọi tiền, vật của những nhà hảo tâm khác, hành vi này thường ít xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân đó.

1.3. Trường hợp lợi dụng tôn giáo để trục lợi bị truy cứu trách nhiệm hình sự “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trường hợp này khả năng xảy ra rất cao. Nếu chủ thể phạm tội nãy sinh ý định kiếm tiền bằng cách lập ra các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, sau đó dùng thủ đoạn gian dối ( kêu gọi từ thiện, kêu gọi quyên góp tiền, vật để nuôi trẻ em mồ côi,…) nhằm mục đích trục lợi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tóm tắt quá trình lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi: Đầu tiên, chủ thể nãy sinh ý định kiếm tiền bằng hình thức lập ra các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng –> Sau đó dùng thủ đoạn gian dối để các mạnh thường quân, người dân quên góp tiền (kêu gọi quyên góp tiền để xây dựng công trình, hoặc kêu gọi tiền để nuôi trẻ mồ côi, hoặc các thủ đoạn gian dối khác,…) –> Nhận tiền, vật, tài sản của người khác –> Chiếm đoạt tiền, vật, tài sản đó –> Tội phạm hoàn thành.

Tùy thuộc vào từng tính chất, tài sản chiếm đoạt và chủ thể phạm tội sẽ bị xử lý hình sự theo các khung hình phạt của pháp luật, trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Căn cứ theo tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015 quy định các khung hình phạt đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cụ thể như sau:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Như vậy, trên đây là giải đáp các vấn đề liên quan đến hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi bị xử lý như thế nào? Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, tính chất của vụ việc mà các hành vi trục lợi có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Các khái niệm, quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

– Các hành vi vị nghiêm cấm khi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo:

Căn cứ theo điều 5 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 quy định thì có những hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi“.

– Thế nào là cơ sở tôn giáo? Theo khoản 14 điều 2 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 định nghĩa “Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”.

– Thế nào là cơ sở tín ngưỡng? Căn cứ tại khoản 4 điều 2 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 định nghĩa “Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác”.

Như vậy, nhà riêng của cá nhân nếu tự ý lập và hoạt động các hoạt động thờ cúng thì không được gọi là cơ sở tôn giáo hay cơ sở tín ngưỡng, để trở thành một cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thì phải được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo đó, đồng thời phải đăng ký với UBND cấp xã để hoạt động (trừ trường hợp nhà thờ dòng họ).

– Thế nào là nhà tu hành? Căn cứ pháp lý quy định tại khoản 7 điều 2 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 định nghĩa “Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo”.

Như vậy, những người thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và các quy định của tổ chức tôn giáo thì được gọi là nhà tu hành.

Tin tức liên quan:

Cá nhân có được kêu gọi từ thiện không? Điều kiện, quy định cụ thể như thế nào?

Ăn chặn tiền từ thiện bị xử phạt như thế nào? Có bị đi tù không? Phạt tù bao nhiêu năm?

Các nghệ sĩ bị báo Công an nhân dân gọi tên theo phong cách bóng đá “cực tấu hài”

Nếu bà Nguyễn Phương Hằng thua kiện của các Nghệ sĩ thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

5/5 - (5 bình chọn)

Bài nổi bật

Vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng video, tin tức mới nhất

Thông tin vụ án chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng mới nhất

Ngày 22/7/2022 xảy ra vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng kinh hoàng gây …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *