Home / ⚖ Pháp luật / Mặc quần áo Công an chụp ảnh câu like Facebook, TikTok bị xử phạt như thế nào?

Mặc quần áo Công an chụp ảnh câu like Facebook, TikTok bị xử phạt như thế nào?

Mặc quần áo Công an chụp ảnh đăng Facebook câu like bị xử lý như thế nào? Sử dụng trang phục Công an nhân dân trái phép luật để quay video TikTok bị xử phạt như thế nào? Dưới đây là một số vấn đề liên quan đến mặc quần áo, trang phục của Công an trái pháp luật để chụp ảnh, quay video trên mạng xã hội.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (đặc biệt là Facebook và TikTok), các bạn trẻ đang tìm mọi cách để câu like, view, tìm kiếm follow trên các nền tảng mạng xã hội này, trong đó cách để có được lượt thả tim, follow, like nhiều là mặc quần áo của Công an. Tuy nhiên, nhiều bạn không biết rằng hành vi của mình là đang vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

1. Mặc quần áo Công an chụp ảnh, quay video lên Facebook, TikTok bị xử phạt như thế nào?

Tại khoản 1 điều 20 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng trang phục dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân (mặc quần áo của Công an trái quy định pháp luật) là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

Căn cứ pháp lý quy định về mức xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trang phục dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân được quy định cụ thể tại điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“Điều 20. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này” 1

Như vậy, theo quy định tại điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì ngoài bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng ra thì người sử dụng trang phục dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

2. Công an Hà Nội xử phạt chủ salon tóc mặc quần áo Công an đăng Tiktok để câu “like”

(HNMO) – Ngày 16-6, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã lập hồ sơ xử lý chị T.D.H (sinh năm 1989, ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa) về hành vi sử dụng trái phép trang phục Công an nhân dân.

Trước đó, qua nắm tình hình không gian mạng, Công an thành phố Hà Nội phát hiện một tài khoản Tiktok đăng tải clip 1 cô gái trẻ mặc trang phục Công an nhân dân thu hút nhiều sự chú ý.

Công an Hà Nội xử phạt chủ salon tóc mặc quần áo Công an đăng Tiktok để câu “like”

Qua công tác xác minh và điều tra, người này tên là T.D.H, hiện là chủ một cửa hàng tóc và không công tác trong lực lượng công an nhân dân.

Ngày 14-6, Công an phường Láng Thượng đã phối hợp với Đội An ninh Công an quận Đống Đa mời người này đến trụ sở để làm rõ sự việc.

Công an Hà Nội xử phạt chủ salon tóc mặc quần áo Công an đăng Tiktok để câu “like”

Tại cơ quan công an, chị H khai nhận đã sử dụng bộ trang phục trên để “Livestream” trên Tiktok vào ngày 7 và 9-6 nhằm mục đích thu hút sự chú ý của mọi người.

Như vậy, theo quy định tại điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì chị T.D.H có thể sẽ bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Ngoài ra, chủ cửa hàng tóc này còn bị tịch thu tang vật (bộ quần áo Công an), nếu hành vi sử dụng quần áo của Công an để “Livestream” trên Tiktok của chị mà có thu lợi thì cũng sẽ bị buộc nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính từ hành vi này.

3. Mặc quần áo Công an để người khác nghĩ mình là Công an bị xử phạt như thế nào?

Người nào mặc quần áo Công an để người khác nghĩ mình là Công an ( nhằm mục đích giả mạo chức vụ mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Hành vi mặc quần áo Công an để người khác nghĩ mình là Công an có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 339 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể như sau:

“Điều 339. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác

Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm” 2

Ngoài ra, người mặc quần áo Công an để người khác nghĩ mình là Công an có thể bị xử phạt hành chính được quy định tại khoản 1 điều 20 nghị định Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

“Điều 20. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân”.

Trong trường hợp mặc quần áo của Công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể như trình bày ở phần dưới.

4. Mặc quần áo Công an, quân đội nhân dân để chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Người nào mặc quần áo của Công an nhân dân để nhằm mục chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, cao nhất là tù chung thân.

Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội phải thực hiện hành vi thành công và chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, trường hợp mặc quần áo của Công an để chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì mới cấu thành tội phạm.

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” 3.

Trong trường hợp mặc quần áo của Công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác dưới 2 triệu đồng mà không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
5/5 - (5 bình chọn)

Bài nổi bật

Full video clip vụ 3 cô con gái đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên

Video clip vụ 3 cô con gái đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên

Liên quan đến video clip vụ 3 cô con gái đốt nhà mẹ đẻ ở …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *