Home / ⚖ Pháp luật / Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Sự khác nhau giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cụ thể như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm nhằm làm rõ và phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản một cách cụ thể.

Giữa 2 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” có những đặc điểm giống nhau, do vậy nếu không dựa vào các đặc điểm và dấu hiệu phạm tội thì rất dễ bị nhầm lẫn.

1. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước –> Dùng thủ đoạn gian dối để nhận tài sản –> Thực hiện hành vi chiếm đoạt. Ngược lại, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Nhận tài sản trước –> Nãy sinh ý định chiếm đoạt –> Sau cùng mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Để làm rõ và phân biệt được 2 tội danh này, chúng ta cần căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như đối tượng, khách thể, chủ thể, dấu hiệu của tội phạm,… Dưới đây là phân tích làm rõ sự khác biệt giữa 2 tội danh này.

1.1. Căn cứ pháp lý về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”:

– Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định chi tiết tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

– Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định chi tiết tại điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

1.2. Yếu tố cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

– Cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

+ Chủ thể: Là những cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hoặc các pháp nhân thương mại phạm tội

+ Khách thể: Xâm phạm đến quan hệ sở hữu.

+ Mặt khách quan:

Hành vi: Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, tiếp theo là giai đoạn dùng thủ đoạn gian dối để nhận tài sản, và tiếp theo là giai đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

“Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … (ví dụ: kẻ phạm tội nói là mượn xe đi chợ nhưng sau khi lấy được xe đem bán lấy tiền tiêu xài không trả xe cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản”

Hậu quả: Làm chấm dứt quyền sở hữu tài sản đối với tài sản.

+ Mặt chủ quan: Lỗi cố ý.

– Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

+ Chủ thể: Là những cá nhân có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS, hoặc các pháp nhân thương mại phạm tội.

+ Khách thể: Xâm phạm quan hệ sở hữu.

+ Mặt chủ quan:

Hành vi: Dùng thủ đoạn gian dối để lấy được niềm tin của chủ tài sản, sau đó thực hiện chiếm đoạt tài sản. Gồm 3 giai đoạn đó là giai đoạn nhận tài sản, tiêp theo là giai đoạn nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, và sau đó là giai đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Hậu quả: Làm chấm dứt qua hệ sở hữu của chủ tài sản đối với tài sản.

+ Mặt khách quan: Lỗi cố ý.

1.3. So sánh tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

– Về mặt chủ thể: Đều là những cá nhân có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS, hoặc các pháp nhân thương mại phạm tội.

– Về mặt khách thể: Đều xâm phạm đến quyền sở hữu.

– Về mặt khách quan: Đều là lỗi cố ý.

+ Hành vi:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước, sau đó dùng thủ đoạn gian dối trước để nhận tài sản từ chủ sở hữu, sau đó mới thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản sau cùng.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Nhận tài sản một cách hợp pháp từ chủ sở hữu trước, sau đó mới nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, tiếp theo mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Tóm lại, tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản trước khi nhận tài sản. Còn tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản sau khi đã nhận tài sản.

+ Hậu quả: Đều làm chấm dứt quyền sở hữu của chủ tài sản.

– Về mặt chủ quan: Đều là lỗi cố ý.

2. Ví dụ để phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

2.1. Diễn biến vụ án

– Ngày 11 tháng 10 năm 2018, S rủ Đảo và C đến nhà Tiến chơi. C đi xe máy YAMAHA chở Đảo đến nhà Tiến nhưng không có tiến ở nhà, chỉ có Sỹ ở nhà. Lúc này 3 Người S, Đảo, Tiến vào nhà chơi.

– Sau khi ngồi chơi được 1 lúc thì S nói đói bụng, nên mượn xe của C để đi mượn tiền mua đồ ăn. C đồng ý.

S lấy xe của C đi mượn tiền, dọc đường thì gặp Tiến, S hỏi mượn tiền nhưng Tiến không có, lúc này S nãy sinh ý định cầm chiếc xe của C để lấy tiền.

Sau đó, S nhờ An tìm chỗ cắm xe, An dẫn S tới nhà Bình để cắm xe, S cắm xe cho Bình với số tiền 5 triệu đồng.

– Sau khi lấy được tiền thì S nhờ An chở về nhà trọ của để đánh bài ăn tiền. Do đánh bài thua hết tiền nên S 2 lần tới nhà Bình lấy thêm 3 triệu đồng. Tổng cộng S cầm cố xe mô tô cho Bình và lấy tất cả 8.000.000 đồng. Số tiền trên S đánh bài ăn tiền thua hết.

– Ngày 18 tháng 10 năm 2018, S bắt xe khách để về nhà bố ruột của mình chơi. Khi ra đến nơi thì không có bố ở nhà, S đi nhờ xe của người quen đến quán cắt tóc của Nhung. Trên đường đi S nảy sinh ý định mượn xe của Nhung để cầm cố lấy tiền tiêu xài.

Khoảng 11 giờ cùng ngày, S vào đến nhà Nhung, đến nơi S bảo Nhung cạo mặt cho S, sau khi cạo mặt xong S nói với Nhung là mượn xe HONDA của nhung đi công việc, xong sẽ quay lại trả xe. Nhung đồng ý.

Nhung nói với em họ của mình là Huyến đi chung với S, khi nào S xong việc thì Huyến lấy xe về. Khi S chở Huyến được 1 đoạn thì S bảo Huyến vào uống nước mía chờ. Còn S lái xe đi.

Sau đó, S mang xe đi đến nhà Bình tiếp tục cầm xe và lấy 7 triệu đồng, số tiền này cũng bị S mang đi đánh bài và tiêu xài cá nhân hết.

2.2. Quyết định của Tòa án

– “Kết luận định giá tài sản số 27, 28/2018-KLĐG ngày 30/10/2018 như sau: 1 xe máy HONDA VISION của chị Nhung đã qua sử dụng, giá trị thời điểm bị chiếm đoạt là 32 triệu đồng; 1 xe mô tô nhãn hiệu YAHAMA SIRIUS của anh C đã qua sử dụng, giá trị thời điểm bị chiếm đoạt là 18,4 triệu đồng”.

– Về tội danh: Tuyên bố bị cáo S phạm hai tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

“+ Xử phạt bị cáo S 10 tháng tù. Áp dụng khoản 1 Điều 174; các điểm i, s khoản 1, khoản Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự.

+ Xử phạt bị cáo Cao Văn S 08 tháng tù. Áp dụng khoản 1 Điều 175; các điểm  i, s khoản 1, khoản Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự”.

Tổng mức hình phạt của 2 tội dah là 18 tháng tù ( Theo điều 55 BLHS 2015 )

2.3. Phân tích vụ án

2.3.1. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

– Về mặt chủ thể:

Anh S tại thời điểm phạm tội đã đủ tuổi chịu TNHS và có năng lực TNHS, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

– Về mặt khách thể:

Anh S xâm phạm đến quan hệ sở hữu, cụ thể trong trường hợp này là anh S đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản của anh C đối với chiếc xe YAMAHA SIRIUS của mình.

– Về mặt khách quan:

+ Hành vi: Anh S đã trực tiếp đi cầm cố chiếc xe của anh C để lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Cụ thể ở đây, ban đầu anh S chỉ có suy nghĩ là mượn chiếc xe của anh C để lấy làm phương tiện đi mượn tiền của người khác để mua đồ ăn, nhưng sau khi đi hỏi mượn tiền của người khác thì không ai cho mượn, nên anh S lúc này mới nảy sinh ra ý định đi cầm chiếc xe của anh C để lấy tiền.

Như vậy, anh S nhận tài sản một cách hợp pháp từ anh C trước, sau đó mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản sau và dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của anh C.

Trong vụ án này, anh S đã trãi qua những giai đoạn phạm tội như sau:

Giai đoạn 1: Nhận tài sản một cách hợp pháp từ chủ sở hữu ( mượn xe đi mượn tiền để mua đồ ăn ).

Giai đoạn 2: Nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản ( do không mượn được tiền nên nãy sinh ý định cầm chiếc xe của anh C để lấy tiền tiêu xài ).

Giai đoạn 3: Thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản ( Trực tiếp đi cầm cố chiếc xe cho Bình và lấy số tiền 5 triệu để tiêu xài cá nhân mà không thông báo cho anh C biết ).

+ Hậu quả: Anh C thiệt hại tài sản trị giá 18,4 triệu đồng.

– Về mặt chủ quan: Là lỗi cố ý, anh S mong muốn chiếm đoạt tài sản, trực tiếp mang xe của anh C đi cầm cố nhằm lấy tiền tiêu xài.

– Ý định chiếm đoạt tài sản: Xuất hiện ý định chiếm đoạt tài sản sau khi đã nhận tài sản từ anh C.

Từ những căn cứ trên cho thấy, tất cả những dấu hiệu phạm tội và yếu tố cấu thành đều thuộc vào tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Như vậy, Tòa án tuyên bị cáo S 8 tháng tù cho tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp những yếu tố cấu thành tội phạm, và đúng quy định pháp luật tại điều 175 BLHS 2015.

2.3.2. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo S

– Về mặt chủ thể:

Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo S đã đủ tuổi chịu TNHS, có năng lực TNHS, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật

– Về mặt khách thể:

Anh S xâm phạm đến quan hệ sở hữu, cụ thể trong trường hợp này là anh S đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản của chị Nhung đối với chiếc xe HONDA VISION của mình.

– Về mặt khách quan:

+ Hành vi:

Anh S đã trực tiếp đi cầm chiếc xe Honda Vision của chị Nhung để lấy số tiền 7 triệu đồng nhằm mục đích đánh bài và tiêu xài cá nhân.

Cụ thể, S đã dù thủ đoạn gian dối để lấy được lòng tin của chị Nhung, bằng cách nói mượn xe để đi công việc, nhưng thực chất là lấy xe để đi cầm cố lấy tiền tiêu xài.

Quá trình phạm tội của bị cáo S được diễn ra gồm 3 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của chị Nhung trước.

Giai đoạn 2: Dùng thủ đoạn gian dối để lấy được niềm tin của chị Nhung để chị Nhung giao tài sản.

Giai đoạn 3: Thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.( S trực tiếp mang chiếc xe của chị Nhung đi cầm cho Bình lấy 7 triệu đồng tiêu xài ).

+ Hậu quả: Chị Nhung bị thiệt hại về tài sản trị giá 32 triệu đồng.

– Về mặt chủ quan: Đây là lỗi cố ý. S mong muốn sự việc xảy ra, và đã trực tiếp thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của chị Nhung.

– Ý định chiếm đoạt tài sản: Khác với vụ án số 1, ở vụ án số 2 này S đã nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi nhận tài sản từ chị Nhung.

Từ căn cứ và lập luận trên đây cho thấy, đây là các dấu hiệu cấu thành của tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Do vậy, Tòa án tuyên phạt bị cáo S 10 tháng tù giam với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hoàn tòa có căn cứ pháp lý và đúng theo quy định pháp luật tại điều 174 BLHS 2015.

KẾT LUẬN.

Như vậy, từ 2 vụ án trên đây chúng ta có thể thấy được sự khác biệt rõ ràng giữa 2 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể:

+ Ở vụ án số 1 ( Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ) thì bị cáo S nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản sau khi nhận tài sản. Nghĩa là nhận chiếc xe từ chủ sở hữu một cách hợp pháp trước, rồi sau đó mới có ý định chiếm đoạt tài sản và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

+ Ngược lại, ở vụ án số 2 ( lừa đảo chiếm đoạt tài sản ) thì bị cáo S đã nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi nhận tài sản. Nghĩa là đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm lấy niềm tin của chủ sở hữu để nhận tài sản, sau đó mới thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản sau.

– Tóm lại, để có thể phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chúng ta cần xem xét nhiều yếu tố, trong đó yếu tố dễ phân biệt nhất chính là thời điểm xuất hiện ý định chiếm đoạt tài sản.

Hướng dẫn quy trình, thủ tục trình báo công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

Những ai có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Thời gian giải quyết đơn tố cáo trong bao lâu?

Số điện thoại đường dây nóng tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Zao, Facebook

– Hướng dẫn cách tố cáo số tài khoản ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản chi tiết theo quy định pháp luật

Bị kẻ gian lừa đảo chuyển tiền qua Internet Banking có lấy lại được không? Lấy lại tiền bằng cách nào?

5/5 - (2 bình chọn)

Bài nổi bật

Vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng video, tin tức mới nhất

Thông tin vụ án chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng mới nhất

Ngày 22/7/2022 xảy ra vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng kinh hoàng gây …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *