Tại sao Công an không bắt những app vay tiền online cho vay nặng lãi mà để họ hoạt động công khai như vậy? Hiện nay, tình trạng cho vay tiền online thông qua các ứng dụng trên điện thoại hoạt động rất phổ biến và công khai, bên cạnh những app cho vay tiền chân chính đàng hoàng thì cũng có những ứng dụng hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất cắt cổ, vậy tại sao Công an không bắt những tổ chức này mà để họ hoạt động công khai như vậy? Dưới đây văn phòng Điều Tra Viên 126 sẽ giải đáp các bạn để các bạn hiểu rõ tại sao lại như vậy
👉 Tìm nội dung ở đây
1. Tại sao Công an không bắt những app vay tiền online cho vay nặng lãi?
Sở dĩ Công an không bắt những app cho vay tiền online thu lãi suất cao là bởi vì những ứng dụng này thuộc sở hữu của công ty tài chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng đã được đăng ký hoạt động kinh doanh, những app này họ không chịu sự điều chỉnh của lãi suất do luật dân sự quy định, mà họ chịu sự điều chỉnh của luật các tổ chức tín dụng, mà trong luật các tổ chức tín dụng thì lãi suất do các bên thỏa thuận, do vậy mà mặc dù cho vay với lãi suất cao nhưng chưa cấu thành tội phạm nên Công an chưa có căn cứ và cơ sở để xử lý, bắt những app cho vay tiền online đó được.
Chỉ những cá nhân, tổ chức mà chưa đăng ký hoạt động tài chính mà cho vay và thu lãi suất cao hơn 100%/năm của khoản tiền vay, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì sẽ bị Công an bắt giữ, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm (khoản 1 điều 201 Bộ luật hình sự 2015)
Trường hợp dưới 30 triệu đồng mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cũng sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Theo quy định tại điều 468 của Bộ luật dân sự 2015 thì lãi suất cho vay không được quá 20%năm của khoản tiền vay (tương đương khoảng 1,66%/tháng của khoản tiền vay). Tuy nhiên, mức lãi suất quy định này chỉ áp dụng đối với những giao dịch cho vay tiền giữa cá nhân với cá nhân, còn đối với các công ty tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng thì không chịu sự điều chỉnh về mức lãi suất này, mà họ chịu sự điều chỉnh bởi lãi suất trong Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Trong quy định về lãi suất áp dụng đối với các công ty tài chính thì do các bên tự thỏa thuận về lãi suất, do vậy mà mặc dù các app cho vay tiền online (thuộc sở hữu của công ty tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng,…) cho vay với lãi suất cao thì họ vẫn không vi phạm pháp luật, do vậy không thể gọi họ là cho vay nặng lãi hay tổ chức tín dụng đen được.
1.1. Lãi suất cho vay đối với công ty tài chính
Căn cứ pháp lý về lãi suất cho vay áp dụng đối với những tổ chức tín dụng, công ty tài chính, ngân hàng được quy định tại điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 cụ thể như sau”
“Điều 91. Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng
1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”.
Như vậy, trong giao dịch vay tiền giữa người vay với công ty tài chính (app cho vay tiền online) thì 2 bên có quyền thỏa thuận lãi suất trong hợp đồng vay, vấn đề thỏa thuận này không bị giới hạn về lãi suất cho vay, do vậy mặc dù cho vay với lãi suất cao nhưng các ứng dụng này vẫn không vi phạm pháp luật, và do đó Công an cũng như các cơ quan chức năng không thể can thiệp sử lý được, trừ trường hợp họ có hành vi đe dọa, hành hung người vay tiền.
1.2. Lãi suất cho vay áp dụng đối với cá nhân
Căn cứ pháp lý về lãi suất cho vay áp dụng cho cá nhân được quy định cụ thể tại điều 468 Bộ luật dân sự 2015 cụ thể như sau:
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Như vậy, trong trường hợp 1 người nào đó (là cá nhân, tổ chức mà chưa đăng ký hoạt động kinh doanh về lĩnh vực tài chính) tự tạo ra những app cho vay tiền online, sau đó thu lãi suất cao hơn 20%/năm của tổng số tiền vay thì họ vi phạm pháp luật, lúc này nếu như có đơn tố cáo của người khác được gửi đến cơ quan chức năng thì cơ quan Công an sẽ vào cuộc bắt và xử lý theo quy định của pháp luật.
Vậy thì, làm sao biết được đâu là app cho vay tiền do cá nhân sở hữu, đâu là app cho vay tiền online cho tổ chức tín dụng, công ty tài chính, ngân hàng là chủ sở hữu? Các bạn cần tìm hiểu về giấy phép hoạt động kinh doanh của những ứng dụng cho vay tiền online để biết chính xác app đó thuộc sở hữu của cá nhân và doanh nghiệp.
2. Cách xác định app cho vay tiền online của cá nhân hay công ty tài chính
Trước hết, các bạn cần tìm hiểu chi tiết các thông tin trong phần giới thiệu của những app cho vay tiền online, bằng cách tìm mã số thuế, giấy phép kinh doanh của những ứng dụng đó. Nếu như trên ứng dụng không có mã số thuế thì các bạn yêu cầu nhân viên cung cấp mã số thuế để các bạn kiểm tra, nếu như bạn đã yêu cầu mà phía bên ứng dụng cho vay tiền vẫn không cung cấp được mã số thuế thì có thể ứng dụng đó thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức chưa đăng ký với cơ quan chức năng về hoạt động cho vay tiền.
Sau khi có được mã số thuế rồi thì các bạn nhập mã số thuế đó vào Google để tìm kiếm, lúc này Google sẽ trả về kết quả tìm kiếm với danh mục hoạt động của công ty đó, các bạn cần tìm xem công ty đó có danh mục hoạt động về tài chính hay không.
Nếu như một công ty mà có danh mục kinh doanh về tài chính thì là công ty hoạt động cho vay tiền đã được pháp luật công nhận, còn như nếu mà không có các danh mục về kinh doanh tài chính thì có nghĩa là họ đang hoạt động trá hình, trái quy định của pháp luật. Xem ví dụ kiểm tra mã số thuế 0102180545 của Fe Credit ở dưới.
(Ví dụ kiểm tra ứng dụng cho vay tiền của Fe Credit với mã số thuế là 0102180545 cho ra kết quả ứng dụng Fe Credit là thuộc sở hữu của ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPbank có đăng ký hoạt động dịch vụ tài chính khác chưa được phân vào đâu 1)
Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là khi các bạn vay tiền trên app của Fe Credit thì lãi suất do bạn và Fe Credit thỏa thuận, trường hợp Fe Credit cho vay với lãi suất cao vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay thì Fe Credit cũng không vi phạm pháp luật.
– Trong trường hợp các app cho vay tiền online cung cấp cho bạn 1 mã số thuế mà khi bạn kiểm tra không có danh mục ngành nghề liên quan đến hoạt động dịch vụ tài chính thì có nghĩa là công ty đó chưa được cấp phép hoạt động cho vay tiền, do vậy ứng dụng vay tiền online của công ty đó là ứng dụng đang hoạt động trá hình, vi phạm pháp luật.
– Trong trường hợp là một cá nhân, tổ chức tự lập ra các app cho vay tiền online mà không phải là công ty thì điều này có nghĩa là họ chỉ được phép thu lãi suất dưới 20%/năm của khoản tiền vay, tương đương khoảng 1,66%/tháng. Bởi vì họ không phải là công ty nên sẽ phải chịu sự điều chỉnh mức lãi suất của Bộ luật dân sự được quy định tại điều 268 như đã nêu ở trên.
3. Vay tiền online của những App do cá nhân làm chủ thu lãi hơn 20%/năm thì phải làm sao?
Trường hợp lỡ vay tiền của những app do cá nhân làm chủ nhưng thu lãi suất cao thì phải làm sao? Trong trường hợp này, các bạn có thể liên hệ với app vay tiền đó để thỏa thuận lại lãi suất, nếu như bên app không đồng ý mà vẫn áp dụng mức lãi suất cao hơn 20%/năm (khoảng 1,66%/tháng) thì các bạn có quyền nộp đơn ra Tòa án để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu phần vượt quá của 20% đó.
Ví dụ: Nếu bạn không biết quy định này, bạn lỡ vay tiền của app do cá nhân làm chủ với số tiền là 50 triệu đồng, và thu lãi suất là 5%/tháng (60%/năm). Lúc này, bạn sẽ phải trả lãi cho ứng dụng đó là 30 triệu/1 năm (2,5 triệu/tháng)
Trường hợp này thì bạn có thể nộp đơn ra Tòa án để yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu phần vượt quá đó là 40%/năm, sau đó thì bạn chỉ phải đóng tiền lãi cho app đó là 20%/năm (10 triệu/năm), giúp bạn tiết kiệm được 20 triệu đồng.
Nếu xác định được chính xác app cho vay tiền online của cá nhân mà không phải của công ty tài chính thì khi bạn nộp đơn ra Tòa án thì sẽ được giải quyết, và án phí, lệ phí (nếu có) thì phía bên app cho vay tiền phải chịu, do vậy bạn không phải mất tiền đóng lệ phí, và ngược lại bạn được giảm phần lãi suất vượt quá đó. Đây là quyền lợi của bạn nên bạn cần phải thực hiện.
Trong trường hợp phía bên app cho vay tiền online thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức mà chưa đăng ký kinh doanh tài chính thu lãi suất cao hơn 100%/năm của khoản tiền vay, thu lợi bất chính từ 30 triệu trở lên là có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi, lúc này họ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự 2015, mức phạt cao nhất là 3 năm tù giam.
Các bạn lưu ý rằng, thời hiệu để nộp đơn ra Tòa án để yêu cầu tuyên bố vô hiệu phần lãi suất vượt quá 20%/năm đó là 2 năm kể từ thời điểm phát sinh giao dịch, quá 2 năm thì các bạn không có quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố vô hiệu nữa, và bạn sẽ phỉ chịu mức lãi suất vượt quá đó. Do vậy, các bạn cần nhanh chóng làm đơn để không bị hết thời hạn yêu cầu.
Như vậy, trên đây là giải đáp vấn đề tại sao Công an không bắt những app vay tiền online cho vay nặng lãi, cách nhận biết app cho vay tiền online của công ty tài chính hay của cá nhân, cũng như hướng dẫn cách giải quyết khi lỡ vay tiền của những ứng dụng do cá nhân là chủ mà thu lãi suất cao, hy vọng các bạn sẽ hiểu rõ vấn đề để thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi ích của mình được tốt hơn, chúc các bạn thành công!
Tin tức khác:
– Cảnh giác những chiêu trò lừa đảo cho vay tiền online qua app
– Cho bạn mượn tiền mà không trả thì phải làm sao để lấy lại tiền?
– Giấy nợ viết tay có được xem là chứng cứ mượn tiền hay không?
– Khi vay tiền qua app online bị khủng bố tinh thần thì nên làm gì?
– Số điện thoại đường dây nóng tố cáo tín dụng đen qua app 24/24
– Cách đối phó với những app cho vay nặng lãi, tổ chức tín dụng đen
người thân của e vay tiền trên app đẫ chuyển khoản ròi mà họ lại chuyển lại, qua vài ngày thì gọi điện đòi trả số tiền gấp đôi, bây giờ e pahir làm thế nào ak?