Home / ⚖ Pháp luật / Tại sao bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố và bắt tạm giam?

Tại sao bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố và bắt tạm giam?

Tại sao bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam? Ngày 24/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ quận 1) về hành vi Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND TPHCM phê chuẩn.

Tại sao bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam?

Bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) bị khởi tố, bắt tạm giam vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại Điều 331 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Tại sao bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam?

(Bà Nguyễn Phương Hằng tại Cơ quan điều tra với gương mặt thất thần)

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, “bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, thường trú 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1; Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Trong những buổi Công ty Đại Nam tổ chức đua cả ngựa lẫn chó, những người tổ chức đã để mặc cho MC lấy tên những “đối thủ” của bà Nguyễn Phương Hằng đặt cho những con vật với lời lẽ khiếm nhã khó chấp nhận. Đỉnh điểm, bà Nguyễn Phương Hằng còn bất chấp kêu réo tên một lãnh đạo của TP Hồ Chí Minh với những lời lẽ quy kết vô cớ, khó nghe…

Từ đầu năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Phương Hằng còn thường xuyên livestream chửi bới, bôi xấu nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và cho rằng họ ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2020 như nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành

Ngay sau khi nhận được tin báo, đơn tố giác tội phạm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc điều tra, kết luận các nghệ sĩ, ca sĩ không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung nên không khởi tố vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, Công an TP Hồ Chí Minh cũng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh do không có dấu hiệu tội phạm.

Ngoài ra, liên quan đến vụ việc, nhiều người khác cũng gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương như ca sĩ Vy Oanh, nhà báo Hàn Ni… về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã có quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ ngày 16/2/2022 đến ngày 29/4/2022 để phục vụ công tác điều tra thông tin tố giác tội phạm.

Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.

Ngày 24/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét chỗ ở đối với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi như trên.

Hiện Công an TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tại sao bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố và bắt tạm giam?

(Có rất đông phóng viên báo đài và cả nhiều Youtuber tới ghi nhận sự việc. Số người hiếu kỳ cũng đến nhà bà Nguyễn Phương Hằng khá đông. Ảnh Công an nhân dân)

Trong buổi tối 24/3, theo ghi nhận của phóng viên, từ lúc 19h, ngôi biệt thự số 6 Nguyễn Thông quận 3, TP Hồ Chí Minh, nơi gia đình bà Nguyễn Phương Hằng sinh sống có rất đông phóng viên báo đài và cả nhiều Youtuber tới ghi nhận mọi động tĩnh tại đây. Đồng thời, số người hiếu kỳ cũng đến ngày càng đông.

Lực lượng CSGT đã có mặt tại đoạn đường trước biệt thự của vợ chồng bà Hằng để giữ gìn trật tự. Lực lượng Công an liên tục mời người dân, phóng viên, YouTuber rời khỏi hiện trường, để trả lại trật tự lưu thông cho con đường Nguyễn Thông vốn khá ít xe cộ qua lại vào buổi tối. Tiếp đó, hàng chục Cảnh sát cơ động cũng đã đến hiện trường để cùng phối hợp với các lực lượng khác để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này” 1.

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xử lý như thế nào?

Điều 331 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cụ thể như sau:

“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do, dân chút khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Các yếu tố cấu thành tội lợi dụng các quyền tự do dân chút xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân:

– Khách thể: Tội phạm này xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ của mình do Hiến pháp quy định.

– Khách quan: Người phạm tội có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tội giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Các quyền tự do, dân chủ nêu trên là những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ. Đa số mọi công dân đều sử dụng các quyền này để bảo vệ lợi ích của mình nhưng không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác.

Tuy nhiên, cũng có người vì động cơ cá nhân hay những động cơ khác đã “lợi dụng” các quyền đó để xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác. Có thể người phạm tội viết báo để đả kích cơ quan Nhà nước, tung tin không có thật gây hoang mang trong nhân dân, khiếu nại, tố cáo,…gây mất uy tín cho cán bộ công chức,…

Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi trên và xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

– Chủ quan: Là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Vì thế, nếu hành vi này kèm theo mục đích “chống chính quyền nhân dân” thì phải bị truy cứu về tội phạm tương ứng.

– Chủ thể: Bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.

Lời cảnh báo từ hiện tượng bà Nguyễn Phương Hằng

Từ một người giàu có, quyền lực, có nhiều hoạt động thiện nguyện, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục trượt dài trong thị phi và vướng vòng lao lý. Hiện tượng bà Nguyễn Phương Hằng là sự cảnh tỉnh cho bất cứ ai coi thường pháp luật.

Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TPHCM và các địa phương khác.

Việc khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng cho thấy, pháp luật không có vùng cấm, mọi hành vi phạm pháp luật công khai, thách thức công luận sẽ bị trừng phạt thích đáng. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những ai ảo tưởng về quyền lực, tự cho mình quyền thóa mạ, xúc phạm, đưa thông tin không có căn cứ về người khác.

Tuy nhiên, góp phần cổ vũ cho các hành vi sai trái của bà Nguyễn Phương Hằng là nhiều “fan cuồng” trên mạng xã hội và trực tiếp ủng hộ, tiếp tay cho bà Hằng, thậm chí coi bà là thần tượng, chỉ trích, tấn công những người lên tiếng phê bình, phản biện bà Hằng.

Hiện tượng nói trên cho thấy, một bộ phận người dân nhẹ dạ cả tin, dễ dàng nghe, tin theo những lời nói không có căn cứ, thậm chí a dua một cách mê muội. Đây là điều rất đáng lo ngại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy nghiêm trọng, gây bất ổn xã hội.

Thiết nghĩ, các nhà khoa học và cơ quan chức năng cần vào cuộc nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc nguyên nhân dẫn đến hiện tượng một bộ phận người dân rất thiếu tỉnh táo, dễ dàng tin theo một cách mê muội những điều nhảm nhí, bị lôi cuốn vào những “trend” ồn ào, thất thiệt trên mạng xã hội.

Từ đó, có những giải pháp quản trị xã hội, hoàn thiện hành lang pháp lý để hạn chế, ngăn chặn các hành vi tương tự, góp phần làm ổn định xã hội.

Cần có những chế tài nghiêm khắc và kịp thời để xử lý nhanh chóng, triệt để mọi hành vi vi phạm pháp luật, tránh để kéo dài gây nhiều hậu quả tiêu cực” 2.

5/5 - (5 bình chọn)

Bài nổi bật

Vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng video, tin tức mới nhất

Thông tin vụ án chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng mới nhất

Ngày 22/7/2022 xảy ra vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng kinh hoàng gây …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *