Home / ⚖ Pháp luật / Thế nào là cho vay nặng lãi? Người đi vay nặng lãi có bị phạt tù không?

Thế nào là cho vay nặng lãi? Người đi vay nặng lãi có bị phạt tù không?

Thế nào là cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự? Tội cho vay nặng lãi bị xử phạt như thế nào? Người đi vay nặng lãi có bị phạt tù không? Quy định pháp luật về lãi suất cho vay của cá nhân và công ty tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng có giống nhau không? Dưới đây là giải đáp chi tiết các bạn vấn đề này.

Hiện nay, tình trạng cho vay thu lãi suất cao diễn ra rất phổ biến và công khai, nhiều người cho vay do không hiểu biết về pháp luật mà vô tình vi phạm pháp luật, bên cạnh đó cũng có nhiều người đi vay do không hiểu biết về quy định pháp luật mà phải chịu mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với quy định của pháp luật. Do vậy, dưới đây văn phòng Điều Tra Viên 126 chúng tôi sẽ phân tích để các bạn hiểu rõ một cách chính xác nhất về vấn đề cho vay nặng lãi này.

Thế nào là cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự?

Đối với cá nhân cho vay mà thu lãi suất cao hơn 20%/năm của khoản tiền vay thì được coi là cho vay nặng lãi, còn đối với các công ty tài chính, ngân hàng mà cho vay thu lãi suất cao hơn 20%/năm của khoản tiền vay thì không bị coi là cho vay nặng lãi, bởi vì lãi suất trong trường hợp này là do các bên thỏa thuận.

Thế nào là cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự?

Căn cứ pháp lý quy định tại điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về mức lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự cụ thể như sau:

“Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 1 điều 468 quy định không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, tuy nhiên mức lãi suất này chỉ áp dụng đối với cá nhân khi cho vay, các bạn chú ý quy định “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Điều này có nghĩa là nếu luật chuyên ngành khác mà có quy định khác thì sẽ theo quy định của luật chuyên ngành đó.

Ở đây, chúng ta sẽ có luật chuyên ngành khác đó chính là luật các tổ chức tín dụng, luật này quy định chi tiết và cụ thể hơn cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng, công ty tài chính khi cho vay.

Tại sao đối với các công ty tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng,… cho vay mà thu lãi suất cao hơn 20% mà vẫn không bị coi là cho vay nặng lãi? Bởi vì các công ty tài chính này không bị điều chỉnh bởi luật dân sự, mà họ chịu sự điều chỉnh của luật các tổ chức tín dụng.

Theo quy định trong luật các tổ chức tín dụng thì lãi suất là do các bên tự thỏa thuận, do vậy mặc dù các công ty tài chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và thu lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay mà vẫn không bị coi là cho vay nặng lãi.

Căn cứ pháp lý tại điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định về mức lãi suất cho vay dành cho các công ty tài chính, tô chức tín dụng, ngân hàng cụ thể như sau:

“Điều 91. Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng

1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”.

Tóm lại, đối với cá nhân cho vay mà thu lãi xuất cao hơn 20%/năm của khoản tiền vay thì bị coi là cho vay nặng lãi, còn đối với các tổ chức tín dụng, công ty tài chính mà cho vay thu lãi suất cao hơn 100%/năm của khoản tiền vay cũng không bị coi là cho vay nặng lãi, bởi vì lãi suất là do các bên tự thỏa thuận.

Trên đây là giải đáp các bạn câu hỏi thế nào là cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật, hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn và hiểu biết chính xác về vấn đề này.

Tội cho vay nặng lãi 2021 trong giao dịch dân sự bị xử phạt như thế nào?

Nếu thuộc khoản 1 điều 201 BLHS 2015 thì bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; Nếu thuộc khoản 2 thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Ngoài ra còn có thể bị phạt thêm tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 – 5 năm.

“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Ngoài ra, đối với các tổ chức tín dụng mà thu hồi nợ có các hành vi xâm phạm đến sức khỏe, uy tín, danh dự nhân phẩm của người đi vay cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng, cụ thể:

– Tội đe dọa giết người: Khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 7 năm tù giam (Điều 133 Bộ luật hình sự 2015)

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ 3 đến tù chung thân (Điều 134 Bộ luật hình sự 2015)

– Tội làm nhục người khác: Khung hình phạt thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, hoặc hoặc phạt cải tạo không giam giữ 3 năm đến 5 năm tù giam (Điều 155 Bộ luật hình sự 2015)

– Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật: Khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ 3 năm đến 5 năm tù giam (Điều 157 Bộ luật hình sự 2015)

– Tội xâm phạm chỗ ở của người khác: Khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ 2 năm đến 5 năm tù giam (Điều 158 Bộ luật hình sự 2015)

Người đi vay nặng lãi có bị phạt tù không?

Người đi vay nặng lãi họ là nạn nhân (trong hình sự gọi là bị hại) cho nên họ sẽ được pháp luật bảo vệ, do đó người đi vay nặng lãi sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như sẽ không bị phạt tù hay bất kỳ hình thức xử phạt nào khác.

Khoản thu từ hành vi cho vay nặng lãi được xác định là khoản thu lợi bất chính, nếu xác định khoản thu lợi này do hành vi cho vay nặng lãi mà có thì sẽ bị sung công quỹ nhà nước và phạt gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính. Còn nếu như xác định đây là hậu quả của tội cưỡng đoạt tài sản thì sẽ trả lại cho bị hại – Tức người đi vay nặng lãi.

– “Theo LS Huỳnh Công Thư, theo quy định của pháp luật, những người đi vay đều được xem là nạn nhân nên họ được pháp luật bảo vệ mà không phải bị truy cứu trách nhiệm pháp lý gì.

LS Minh Trang phân tích, khoản thu rất lớn từ tội cho vay nặng lãi là khoản thu lợi bất chính, nếu xác định đây là thu lợi do cho vay nặng lãi thì sẽ bị sung công quỹ nhà nước và phạt gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính. Nếu xác định đây là hậu quả của tội cưỡng đoạt tài sản thì sẽ trả lại cho bị hại.

Từ đó, LS Minh Trang nhấn mạnh, hiện nay, thực trạng việc cho vay nặng lãi ngày càng gia tăng, các đối tượng cho vay nặng lãi manh động, côn đồ, hung hãn khi đi đòi nợ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ ẩu đả, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích.

Tuy nhiên, do tâm lý sợ hãi nên các bị hại không ai dám đứng ra tố cáo các đối tượng này. Vì vậy, các cơ quan pháp luật cần phải có nhiều biện pháp hơn nữa nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các loại tội phạm liên quan. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này.

Theo LS Trang, hành vi đập phác đồ đạc, ném, tạt sơn pha mắm tôm hay các chất bẩn khác vào nhà người khác là hành vi vi phạm pháp pháp luật” 1.

Như vậy, trên đây là giải đáp các bạn các vấn đề Như thế nào là cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự? Tội cho vay nặng lãi bị phạt như thế nào? Người đi vay nặng lãi có bị phạt tù không? Hy vọng các bạn sẽ hiểu chính xác nhất về vấn đề này để tránh vi phạm pháp luật cũng như tránh bị thu lãi suất cao khi đi vay, chúc các bạn thành công!

Tin tức khác:

Tại sao Công an, cơ quan chức năng không bắt các app cho vay nặng lãi?

Cách đối phó với tổ chức tín dụng đen, cá nhân cho vay nặng lãi núp bóng

Vay tiền qua app bị khủng bố thì nên làm gì để chấm dứt hành vi khủng bố?

Vay tiền qua app không trả có bị làm sao không? Có bị đi tù không?

Bị lừa đảo khi vay tiền qua app online thì phải làm sao để lấy lại tiền bị lừa?

Đường dây nóng tố cáo cho vay nặng lãi, tín dụng đen qua app online

5/5 - (3 bình chọn)

Bài nổi bật

Vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng video, tin tức mới nhất

Thông tin vụ án chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng mới nhất

Ngày 22/7/2022 xảy ra vụ chặt đầu ở Kiến An Hải Phòng kinh hoàng gây …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *