Trình tự thủ tục đầu tư trong nước là gì? Các điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước hiện nay như thế nào? Thủ tục thành lập nhà đầu tư trong nước theo quy định Luật đầu tư 2020 có gì khác? Hiện nay có bao nhiêu loại hình đầu tư tại Việt Nam?
Đầu tư trong nước là một trong những nội dung quan trọng và gần gủi nhất đối với sinh viên môn Luật đầu tư cũng như đối với các nhà đầu tư trong nước, nắm được quy trình, thủ tục đầu tư trong nước sẽ giúp cho các nhà đầu tư trong nước thực hiện thủ tục đầu tư dự án một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Nắm được quy trình đầu tư trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể đánh giá được hình thức và tính chất của dự án, có thể tham gia vào đầu tư một cách hiệu quả theo quy định pháp luật.
👉 Tìm nội dung ở đây
- 1. Khái niệm đầu tư trong nước là gì?
- 2. Những hình thức đầu tư trong nước
- 3. Các điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước
- 3.1. Điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước đối với hình thức Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
- 3.2. Điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước đối với hình thức nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế
- 3.3. Điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước đối với hình thức hợp đồng PPP
- 3.4. Điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước đối với hình thức hợp đồng BCC
- 4. Trình tự thủ tục đầu tư trong nước
- Bước 1: Nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của dự án
- Bước 2: Lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp
- Bước 3: Thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương
- Bước 4: Thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương
- Bước 5: Thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
- Bước 6: Tiến hành hoạt động đầu tư
- Bước 7: Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
1. Khái niệm đầu tư trong nước là gì?
Đầu tư trong nước là việc Nhà đầu tư trong nước dùng tài sản của mình để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh dưới các hình thức như: Thành lập tổ chức kinh tế; góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế; thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
(Trình tự thủ tục đầu tư trong nước theo quy định mới nhất – Ảnh minh họa)
– Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Chủ thể:
– Cá nhân có quốc tịch Việt Nam (Người Việt Nam sinh sống trong nước, người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài)
– Tổ chức kinh tế (không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông)
Đặc điểm:
– Là hoạt động kinh doanh nhằm mục đích lợi nhuận
– Vị trí dự án nằm bên trong khu vực lãnh thổ Việt Nam
Pháp luật điều chỉnh:
Tại khoản 1 điều 4 Luật đầu tư 2020 quy định: “Hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và luật khác có liên quan”[1]
Như vậy, pháp luật điều chỉnh về đầu tư trong nước bao gồm Luật đầu tư 2020 và tất cả Luật Việt Nam có liên quan.
2. Những hình thức đầu tư trong nước
Theo quy định tại điều 21 Luật đầu tư 2020 quy định, hiện nay tại Việt Nam có 4 hình thức đầu tư sau: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; Thực hiện dự án đầu tư; và hình thức đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
2.1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế là hình thức nhà đầu tư tự mình bỏ tài sản để thành lập doanh nghiệp mới, sau đó dùng chính doanh nghiệp mới thành lập này để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh cụ thể.
Việc thành lập tổ chức kinh tế tuân thủ theo các quy định pháp luật trong Luật doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với loại hình tổ chức kinh tế đó.
2.2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
Theo quy định tại khoản 1 điều 24 Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trong nước, bao gồm các hình thức sau:
– Hình thức góp vốn:
+ “Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
+ Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
+ Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp nêu trên”[3].
– Hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp:
+ “Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
+ Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn.
+ Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
+ Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc các trường hợp nêu trên”[4].
2.3. Thực hiện dự án đầu tư (PPP)
“Đầu tư theo phương thức PPP là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”[5].
Lĩnh vực đầu tư:
Theo quy định tại khoản 1 điều 4 Luật PPP 2020, nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức đầu tư theo hình thức PPP trong các lĩnh vực sau đây:
- Giao thông vận tải;
- Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;
- Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;
- Y tế; giáo dục – đào tạo;
- Hạ tầng công nghệ thông tin”.
Quy trình đầu tư: (theo luật PPP 2020)
+ Bước 1: Nhà đầu tư lập và gửi văn bản đề xuất thực hiện dự án PPP đến cơ quan có thẩm quyền.
+ Bước 2: Nếu được chấp thuận, nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án bao gồm: báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư va gửi hồ sơ đề xuất dự án đến cơ quan có thẩm quyền;
+ Bước 3: Nếu được chấp thuận ở bước 2, nhà đầu tư tiến hành lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.
+ Bước 4: Chờ cơ quan chức năng quyết định chủ trương đầu tư
+ Bước 5: Nếu được thông qua, Cơ quan chức năng công bố dự án
+ Bước 6: Cơ quan chức năng lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;
+ Bước 7: Nếu được phê duyệt, Cơ quan chức năng lựa chọn nhà đầu tư, lúc này nhà đầu tư tham gia đấu thầu để giành dự án PPP
+ Bước 8: Nếu trúng thầu, nhà đầu tư tiến hành thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP
+ Bước 9: Nhà đầu tư bắt đầu triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.
2.4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
– “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế”[6].
– Về hình thức: Chủ yếu dựa trên hợp đồng dân sự
– Về nội dung hợp đồng BCC:
Về cơ bản, hợp đồng BCC dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, tuy nhiên trong hợp đồng BCC phải có những nội dung chính được quy định tại điều 28 Luật đầu tư 2020 sau đây:
+ “Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
+ Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
+ Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
+ Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
+ Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
+ Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp”[7].
3. Các điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước
3.1. Điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước đối với hình thức Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư 2020.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
– Hình thức đầu tư;
– Phạm vi hoạt động đầu tư;
– Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
– Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3.2. Điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước đối với hình thức nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế
Theo quy định tại điều 24 Luật đầu tư 2020, việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:
– Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
– Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;
– Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
3.3. Điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước đối với hình thức hợp đồng PPP
Theo quy định tại điều 26 đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020 (Luật PPP), điều kiện đối với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất phải đáp ứng được những điều kiện sau đây:
– Phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 14 của Luật này;
– Không trùng với dự án PPP đang được cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đã chấp thuận nhà đầu tư khác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
– Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
– Dự án do nhà đầu tư đề xuất phải tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc đàm phán cạnh tranh theo quy định tại Điều 37 hoặc Điều 38 của Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020.
3.4. Điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước đối với hình thức hợp đồng BCC
Theo quy định tại khoản 2 điều 27 Luật đầu tư 2020, hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật đầu tư.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
1. Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này trong thời hạn sau đây:
a) 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
b) 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
2. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
b) Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
c) Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật này;
d) Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
đ) Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trên đây là các điều kiện để thực hiện đầu tư dự án trong nước đối với 4 loại hình đầu tư cụ thể, dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn trình tự thủ tục đầu tư trong nước một cách chi tiết và cụ thể theo quy định mới nhất.
4. Trình tự thủ tục đầu tư trong nước
Bước 1: Nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của dự án
Đầu tiên, nhà đầu tư cần thực hiện công việc khảo sát, kiểm tra và đánh giá tính khả thi của dự án mà mình chuẩn bị hoặc sắp đầu tư vào.
Ở giai đoạn này, nhà đầu tư sẽ tự mình đi kiểm tra tính khả thi dựa vào năng lực, nhân sự, địa điểm, nhu cầu,….bao gồm các công việc sau:
– Nghiên cứu dự án phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm
– Lập kế hoạch thực hiện dự án phù hợp với chính sách nhà nước.
– Đánh giá tính khả thi của dự án.
– Đưa ra quyết định đầu tư, hoặc không đầu tư.
Bước 2: Lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp
Sau khi đã có kết quả nghiên cứu, kiểm tra và đánh giá, nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư thì sẽ phải lựa chọn hình thức đầu tư.
Theo quy định tại điều 21 Luật đầu tư 2020 thì nhà đầu tư có quyền thực hiện đầu tư theo các hình thức sau:
– “Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
– Thực hiện dự án đầu tư.
– Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
– Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ”[2]
Tùy thuộc vào từng loại hình, ngành nghề mà nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư sao cho phù hợp với quy định pháp luật.
Bước 3: Thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương
Sau khi đã nghiên cứu lựa chọn hình thức đầu tư thì nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đối với những dự án phải chấp thuận chủ trương.
Đối với những dự án phải chấp thuận chủ trương thì chủ dự án đầu tư bắt buộc phải thực hiện thủ tục này, đây là một bước quan trọng nhất trong tổng thể trình tự thủ tục đầu tư trong nước.
– “Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư”[8]
Các dự án phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương bao gồm các dự án được quy định tại các điều 30, 31, 32 Luật đầu tư 2020.
– Trình tự, thủ tục chung đối với những dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương của Quốc hội (những dự án tại điều 30 Luật đầu tư 2020)
+ Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư và gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
+ Bước 2: Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.
+ Bước 3: Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định để trình Chính phủ.
+ Bước 4: Trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội
+ Bước 5: Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chấp thuận chủ trương đầu tư
– Trình tự chung đối với những dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ (những dự án tại điều 31 Luật đầu tư 2020):
+ “Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư và gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
+ Bước 2: Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan đến nội dung thẩm định.
+ Bước 3: Cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
+ Bước 4: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
+ Bước 5: Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư”[9]
– Quy trình chung của những dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (những dự án tại điều 32 Luật đầu tư 2020):
+ “Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương và gửi cho cơ quan đăng ký đầu tư.
+ Bước 2: Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan đến nội dung thẩm định
+ Bước 3: Cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi cơ quan đăng ký đầu tư.
+ Bước 4: Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Bước 5: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do”[10].
Bước 4: Thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương
Trong trường hợp Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương, nhưng sau đó có thay đổi về mục tiêu, quy mô diện tích, quy mô dự án, thay đổi thời hạn, thay đổi công nghệ, thay đổi nhà đầu tư thì phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương.
Các trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh được quy định cụ thể tại khoản 3 điều 41 Luật đầu tư 2020, cụ thể:
“Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
b) Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;
c) Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư;
d) Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu;
đ) Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
e) Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư;
g) Thay đổi nhà đầu tư của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trước khi dự án khai thác, vận hành hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có)”[11].
Bước 5: Thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 37 Luật đầu tư 2020 thì Nhà đầu tư trong nước không cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì cũng có thể thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy trình quy định tại điều 38 Luật đầu tư 2020
Thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một bước không bắt buộc trong tổng thể trình tự thủ tục đầu tư trong nước, tuy nhiên đôi khi dự án có giấy chứng nhận cũng mang lại nhiều lợi ích nhất định đối với dự án.
Bước 6: Tiến hành hoạt động đầu tư
Sau khi hoàn tất cả quy trình, giai đoạn trên thì nhà đầu tư bắt đầu thực hiện dự án đầu tư theo các quy định và nguyên tắc sau:
– Đối với những dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương trước, sau khi được chấp thuận chủ trương thì nhà đầu tư mới thực hiện dự án sau.
– Đối với nhà đầu tư trong nước không cần thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho nên sau khi có quyết định chủ trương (nếu thuộc diện cần chấp thuận chủ trương) thì có thể tiến hành hoạt động đầu tư vào dự án ngay lập tức.
– Nhà đầu tư phải tuân thủ quy định của Luật đầu tư, và tất cả pháp luật, quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Nhà đầu tư phải bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, bằng cách ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ (từ 1% đến 3% vốn đầu tư của dự án) để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 điều 43 Luật đầu tư 2020.
– Trường hợp dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn đầu tư thì số tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả theo từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.
Bước 7: Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
– Các trường hợp nhà đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án:
+ “Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
+ Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;
+ Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
Nếu thuộc 1 trong các trường hợp nêu trên thì nhà nhà đầu tư tự mình thực hiện thủ tục thanh lý dự án theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản.
– Việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất khi chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan”[12].
Nhìn chung, quy trình thủ tục để nhà đầu tư thực hiện một dự án đầu tư trong nước là khá phức tạp, đặc biệt là đối với những dự án đầu tư cần phải chấp thuận chủ trương, việc chấp thuận chủ trương thường là mất nhiều thời gian và qua nhiều công đoạn, thủ tục về thẩm định, đánh giá tiền khả thi…
Tuy nhiên, đối với những dự án đầu tư không cần chấp thuận chủ trương thì nhà đầu tư có thể tự mình, hoặc hợp tác để thực hiện dự án một cách nhanh chóng và đơn giản mà không cần phải thông qua các thủ tục đánh giá, thẩm định của cơ quan nhà nước.
Trên đây là quy trình tự thủ tục đầu tư trong nước theo quy định mới nhất, hy vọng sẽ giúp các nhà đầu tư có thể lựa chọn một hình thức và thực hiện các thủ tục cần thiết một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, chúc thành công!
Các tài liệu tham khảo:
[1] Khoản 1 điều 4 Luật đầu tư 2020
[2] Điều 21 Luật đầu tư 2020
[3] Khoản 1 điều 25 Luật đầu tư 2020
[4] Khoản 2 điều 25 Luật đầu tư 2020
[5] Khoản 10 điều 3 Luật PPP 2020
[6] Khoản 14 điều 3 Luật đầu tư 2020
[7] Điều 28 Luật đầu tư 2020
[8] Khoản 1 điều 3 Luật đầu tư 2020
[9] Tham khảo điều 33 và 35 Luật đầu tư 2020
[10] Tham khảo điều 33 và 36 Luật đầu tư 2020
[11] khoản 3 điều 41 Luật đầu tư 2020
[12] Điều 48 Luật đầu tư 2020