Tòa án chỉ giải quyết vụ án dân sự trong phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có nghĩa là gì? Tòa án giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự không? Trong trường hợp đang xét xử vụ án dân sự mà phát hiện ra tình tiết mới có lợi cho đương sự, nhưng đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án có thể tự mình giải quyết quyền lợi hợp pháp cho đương sự không?
Tại khoản 1, điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó” 1. Vậy thì, quy định này có ý nghĩa như thế nào trong tố tụng dân sự?
👉 Tìm nội dung ở đây
1. Tòa án chỉ giải quyết vụ án dân sự trong phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn
– Tòa án chỉ giải quyết vụ án dân sự trong phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có nghĩa là gì? Đây là một quyền tự quyết định và tự định đoạt của đương sự, đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề gì thì Tòa án chỉ giải quyết vấn đề đó, không giải quyết những vấn đề ngoài phạm vi mà đương sự yêu cầu.
Tại khoản 1 điều 5 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể như sau:
“Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.
– Thứ 1, Khởi kiện là quyền của công dân, Tòa án không được từ chối giải quyết khi có yêu cầu.
Công dân có quyền khởi kiện, hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, khi nhận được yêu cầu, hoặc đơn khởi kiện của người dân thì Tòa án không được từ chối, mà buộc phải xét xử, giải quyết yêu cầu của công dân, bất kể vụ việc có giá trị lớn hay nhỏ thì Tòa án vẫn phải thực hiện theo yêu cầu của đương sự.
Ví dụ: A nộp đơn khởi kiện B ra Tòa án yêu cầu B phải trả khoản nợ 5.000đ thì lúc này, Tòa án phải thực hiện xét xử và yêu cầu B trả lại số tiền 5.000đ cho A nếu có căn cứ pháp luật, không phải vì giá trị 5.000đ quá nhỏ mà Tòa án không giải quyết, đó là sai quy định của pháp luật.
Nhìn vào ví dụ này, nhiều người sẽ có suy nghĩ rằng: Có 5.000đ mà cũng kiện làm gì cho mất công, mất thời gian, có 5.000đ mà đi kiện thì dễ gì Tòa án người ta giải quyết cho. Tuy nhiên, suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm, khởi kiện là quyền của công dân, khi công dân thực hiện quyền khởi kiện của mình thì buộc Tòa án phải giải quyết, không được từ chối.
– Thứ 2, Đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề gì thì Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu đó.
Khi đương sự nộp đơn ra Tòa án và yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề gì thì Tòa án chỉ giải quyết những vấn đề đó, ngoài ra không được xét xử hay giải quyết thêm những vấn đề khác nếu đương sự không có yêu cầu, mặc dù là có lợi cho đương sự nhưng nếu đương sự không yêu cầu thì Tòa án cũng không được giải quyết thêm.
Ví dụ: A mượn B số tiền 10 tỷ đồng và một chiếc xe oto BMW hẹn ngày 15/12/2012 sẽ trả, đến thời hạn trả tiền và xe nhưng A không trả nợ, B nộp đơn kiện A Tòa án và yêu cầu Tòa án xét xử, yêu cầu A phải trả cho B số tiền 10 tỷ đồng.
Lúc này, mặc dù có chứng cứ A mượn B 10 tỷ đồng và chiếc xe oto BMW là hợp pháp, nhưng B chỉ yêu cầu A trả lại 10 tỷ đồng thì Tòa án cũng chỉ xét xử và ra quyết định yêu cầu A trả lại cho B số tiền 10 tỷ đồng, không được xét xử và yêu cầu A trả lại cả chiếc xe cho B, mặc dù A mượn xe của B thật nhưng nếu như B không yêu cầu thì Tòa án không giải quyết.
Nhìn vào ví dụ trên chúng ta có thể thấy được rằng, quyền lợi của B đang bị lãng quên là một chiếc xe oto hiệu BMW, (Tòa án sẽ biết điều này) nhưng nếu như B không yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề yêu cầu A trả lại chiếc xe oto hiệu BMW đó thì Tòa án cũng sẽ không giải quyết, mặc dù chứng cứ đầy đủ. Đây là một quyền tự định đoạt và tự quyết định khởi kiện của đương sự.
2. Khi nào tòa án giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự?
Tòa án không được giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự, chỉ được giải quyết những vấn đề trong phạm vi mà đương sự yêu cầu trước đó, trừ trường hợp trong quá trình xét xử mà đương sự thay đổi yêu cầu của mình vượt quá phạm vi yêu cầu so với lần trước thì Tòa án sẽ giải quyết phần vượt quá này.
Tại khoản 2 điều 5 bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể như sau:
“Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội”.
– Thứ 1, đương sự có quyền thay đổi hoặc chấm dứt yêu cầu của mình
Khi đang trong quá trình tố tụng, nếu như đương sự (người đi kiện) mà muốn chấm dứt yêu cầu của mình, muốn rút đơn kiện thì Tòa án phải chấp thuận và đình chỉ giải quyết vụ án lại.
Ví dụ: A kiện B để yêu cầu B trả nợ số tiền 2 triệu đồng, nhưng sau đó A không muốn kiện nữa, muốn chấm dứt yêu cầu đòi tiền của mình, lúc này Tòa án sẽ phải chấp nhận yêu cầu, mặc dù chứng cứ đầy đủ.
Sau đó, A lại tiếp tục đi kiện, sau đó lại tiếp tục rút đơn kiện, lại tiếp tục đi kiện, lại rút đơn kiện,… cứ liên tục như vậy thì Tòa án cũng phải chấp nhận, bởi vì đã là quyền khởi kiện và quyền chấm dứt yêu cầu khởi kiện của công dân đã được pháp luật quy định, lúc này Tòa án cũng phải tiến hành thụ lý – đình chỉ, thụ lý – đình chỉ,…
– Thứ 2, khi đương sự thay đổi vượt quá yêu cầu lần đầu thì Tòa án phải giải quyết
Trong quá trình xét xử vụ án dân sự, nếu phát hiện ra quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình cũng bị xâm phạm thì đương sự có quyền thay đổi yêu cầu khởi kiện của mình, nếu xét thấy nguyên đơn bị thiệt hại từ vụ việc thì cũng có quyền yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại…. Tất cả những thay đổi yêu cầu sẽ được Tòa án tôn trọng và chấp thuận. Việc thay đổi yêu cầu vượt quá được thực hiện theo trinh tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
Ví dụ: A kiện B để đòi tiền hợp đồng mua bán với số tiền là 10 tỷ đồng mà trước đó B đã nhận hàng nhưng chưa thanh toán cho A (thời gian chậm trả tiền hàng là 1 năm), trong quá trình tố tụng A muốn thay đổi yêu cầu, thêm một yêu cầu khác nữa, đó là yêu cầu B phải trả tiền lãi của số tiền 1 tỷ đồng đó trong 1 năm theo lãi xuất của ngân hàng, vì A cho rằng B lấy số tiền đó để gửi tiết kiệm ở ngân hàng mà không chịu thanh toán cho A.
Lúc này, Tòa án sẽ chấp nhận và Tòa án giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của A so với lần đầu là yêu cầu B phải trả thêm tiền lãi của số tiền 1 tỷ đồng đó trong 1 năm theo lãi suất của ngân hàng.
Nhìn vào ví dụ trên chúng ta có thể thấy được rằng, quyền thay đổi yêu cầu của đương sự trong quá trình tố tụng là rất quan trọng đối với đương sự, quyền thay đổi yêu cầu sẽ giúp đương sự bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình một cách trọn vẹn và hiệu quả nhất.
Như vậy, trên đây là giải đáp vấn đề Tòa án chỉ giải quyết vụ án dân sự trong phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là gì? Khi nào thì Tòa án giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ quyền khi tham gia tố tụng dân sự của mình để bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình được tốt hơn. Chúc các bạn thành công!
One comment
📌 Đọc thêm: Cách nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự, thủ tục nộp hồ sơ khởi kiện