Home / ⚖ Pháp luật / Thông tin vụ bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông mới nhất

Thông tin vụ bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông mới nhất

Liên quan đến việc bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông, bé trai 3 tuổi bị siết cổ rồi giấu vào tủ cấp đông xảy ra trên địa bàn xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự đang tạm giữ nghi phạm Nguyễn Trường Giang (SN 1997, ở xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi “Giết người”.

“Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, cơ quan công an đã truy lùng cả đêm 13/8 mới bắt được nghi phạm. Thời điểm đó, Giang đang bỏ trốn lên Hà Nội”, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam thông tin.

1. Lời khai của nghi phạm khi giấu bé trai 3 tuổi vào tủ cấp đông

Nguyễn Trường Giang, 25 tuổi, khai do bực tức khi bé trai 3 tuổi đòi chơi cùng nên ném chày trúng đầu rồi siết cổ, đưa bé vào ngăn đá tủ cấp đông.

Nghi phạm trong vụ bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông

(Nghi phạm Nguyễn Trường Giang, 25 tuổi thực nghiệm hiện trường vụ án giấu bé Đ vào tủ cấp đông – ảnh CAND)

Ngày 14/8, Giang, trú xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, đang bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nam tạm giữ hình sự để làm rõ các hành vi liên quan cáo buộc Giết người.

Nguyễn Trường Giang khai, khoảng 15h20 ngày 13/8, bé trai hơn 3 tuổi ở nhà bên cạnh sang quán trà sữa của anh ta – địa điểm thuê của gia đình bé. Bé uống cốc trà sữa đang ở trên bàn, đi theo Nguyễn Trường Giang vào quầy bếp lấy bánh quy, rồi lên giường ngồi ăn.

Nguyễn Trường Giang khai do “bực tức vì bị bé nhiều lần đòi chơi cùng” nên dùng chiếc chày kim loại ném mạnh một phát trúng đầu. Bé trai hơn 3 tuổi ngã ra sàn, khóc to. Dỗ nhiều lần không được, Giang ghì đứa trẻ ra sàn, bắt nằm yên.

Khi bé trai khóc và gọi ông nội cứu, Giang dùng dây giày siết cổ, đặt trong thùng carton, đưa vào ngăn đá của tủ cấp đông. Sau đó, anh ta khoá cửa quán và đi xe máy về Hà Nội.

Thời điểm này, tìm không thấy cháu đâu, ông nội bé kiểm tra camera và phát hiện cháu vào nhà Giang. Ông gọi Giang quay trở lại không được nên cùng hàng xóm phá cửa quán.

17h50 cùng ngày, bé trai được phát hiện trong tình trạng suy hô hấp, hạ thân nhiệt, chấn thương đầu, mặt, cổ và lưỡi sưng nề” 1.

2. Nhân chứng kể lại khi phát hiện bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông

Anh Đặng Công Thìn (SN 1995 – người tìm thấy bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông) nhớ lại, khi anh phát hiện, cháu bé người lạnh buốt, trên cổ có một đoạn dây và quấn rất nhiều vòng.

“Lúc tôi sang cũng chui qua khe nhỏ đập sẵn và tìm vào trong. Trong phòng chỉ có cái tủ lạnh, ít đồ để pha trà sữa. Tôi thấy có cái tủ lạnh, mọi người bảo đã tìm rồi nhưng không thấy. Tìm quanh khoảng 2 vòng thì tôi quyết định mở tủ ra kiểm tra lần nữa.

Tôi thấy có một miếng bìa cát tông to và nhiều túi đá xung quanh nên quyết định kéo lên xem. Miếng bìa đã bị ướt nên vừa nhấc lên đã bục ra. Sau đó, tôi phát hiện chân cháu bé thì hô toáng lên để mọi người vào cùng”, anh Thìn kể.

Theo lời anh Thìn, khi bế em bé ra ngoài thấy tim vẫn đập song người lạnh toát, không động đậy” 2.

3. Quá trình giải cứu bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông

Ông Nguyễn Văn Thược (SN 1957, ông nội nạn nhân) chia sẻ, khoảng gần 17h chiều qua (13/8), khi ông về tới nhà không thấy cháu nên vội sang nhà con trai và 6 nhà hàng xóm xung quanh tìm kiếm.

Linh tính có chuyện chẳng lành, ông giục vợ cùng con dâu túa đi tìm mọi ngóc ngách song vẫn bặt tin. Ông còn nghĩ tới trường hợp xấu nhất là cháu bé ra đường chơi, bị bắt cóc.

Cùng lúc này, con trai ông ở nơi xa ngồi kiểm tra camera an ninh để hỗ trợ mọi người. Dữ liệu camera thể hiện, lúc 15h20, bé trai mặc bộ quần áo phông màu xanh đi vào quán trà sữa sát nhà chơi. Từ đó, camera không ghi hình ảnh em bé trở ra. Tuy vậy lúc 16h15, chủ quán trà sữa là Nguyễn Trường Giang khoá cửa và đi xe máy về phía cầu Châu Giang.

Mọi thành viên trong gia đình đổ về quán trà sữa rộng 35 m2 đang khoá hai lớp cửa. Hơn 17h, ông Thược lấy điện thoại gọi cho Giang hỏi tình hình thì gã nói đang đi tới Hà Nội, khẳng định cháu ông không có trong nhà. Hàng chục cuộc gọi sau đó được thực hiện để hỏi rõ thêm song Giang không nhấc máy nữa.

Cả nhà ngồi chụm đầu lại ngay trước cửa quán, soi kỹ từng giây dữ liệu camera và vẫn chỉ thấy thấy bé trai vào chứ chưa rời quán. Không đợi xem đến lần thứ hai, ông Thược chạy vào nhà vác máy cắt cửa cuốn, lấy một búa đinh và gọi mấy người hàng xóm sang giúp.

Sau vài phút cắt được khoá, ông dùng búa đập vỡ một ô cửa kính của lớp cửa thứ hai, tạo khoảng rộng đủ người chui lọt sau đó cùng anh Thìn chui vào.

Trong căn phòng đồ đạc lộn xộn, thấy chiếc tủ cấp đông, anh Thìn đến gần mở hai cánh, một bên là ngăn mát, một bên là ngăn đá, nhưng không thấy gì. Đi ra ngoài cửa rồi lại quay trở vào, anh Thìn mở tủ một lần nữa, dùng tay nhấc thùng giấy bìa carton trong ngăn đá thì bất ngờ rách toạc rất nhanh. Hai chân của em bé lộ ra.

Lúc này, bé trai 3 tuổi đang nằm bên trong, co chân, đầu gục xuống, cổ bị buộc thắt bằng dây giày màu trắng.

Ông Thược cho hay, gia đình không có mâu thuẫn với Giang và hàng ngày tiếp xúc không thấy anh ta có biểu hiện gì bất thường. Bình thường, cháu ông chỉ chơi quanh nhà hoặc sang nhà họ hàng ở kế bên. Hôm xảy ra sự việc là lần đầu bé trai “bén mảng” sang nhà Giang chơi” 3.

4. Tình hình hiện tại của bé trai bị bạo hành, nhốt trong tủ cấp đông

Bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) trong đêm 13/8, điều trị tại khoa Cấp cứu chống độc trong tình trạng suy hô hấp, hạ thân nhiệt, chấn thương vùng đầu mặt cổ. Các bác sĩ đã làm thêm các xét nghiệm để xác định tổn thương về não, cột sống cổ… đồng thời hội chẩn các chuyên khoa chấn thương, ngoại thần kinh.

Ngày 14/8, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sức khỏe bé trai đã ổn định nhưng vẫn còn sưng nề vùng đầu, xây xước vùng đầu mặt cổ, mặt có nhiều vết bầm tím, ăn uống khó.

Các bác sỹ Khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trẻ bị nhốt vào tủ đông lạnh.

Bác sĩ khẳng định, nếu trẻ không được phát hiện kịp thời, thân nhiệt hạ sâu do ở nhiệt độ lạnh quá lâu hoặc thiếu khí (nếu tủ bị đóng kín) có thể dẫn đến nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Rất may sau khi xử lý cấp cứu, các tổn thương thực thể hiện tại của cháu bé không nặng nề, sức khỏe cháu hiện tại toàn trạng ổn định. Tuy nhiên bệnh nhi vẫn còn sưng nề vùng đầu, xuất huyết, xây xước vùng đầu mặt cổ.

Hiện, bé được chuyển sang Khoa Sức khỏe vị thành niên để theo dõi, tinh thần vẫn còn hoảng sợ.

Các bác sĩ cho biết, tình trạng hạ thân nhiệt xảy ra khi cơ thể mất lượng nhiệt nhiều hơn so với lượng nhiệt được sinh ra. Nếu thân nhiệt giảm quá thấp dưới 35 độ C, không kịp thời xử lý tăng thân nhiệt thì người bệnh có thể bị đe dọa tính mạng do tim và hệ thống thần kinh không thể hoạt động tốt.

Rất may mắn, bé trai bị hạ thân nhiệt khi vào viện đã được cấp cứu kịp thời. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bé Đ. ổn định, đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

5. Nghi phạm nhốt bé trai 3 tuổi vào tủ cấp đông có thể bị xử lý như thế nào?

Liên quan tới vụ bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông, bị đánh đập dã man, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Hành vi của nghi phạm là tàn ác, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em (là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ) nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Để có căn cứ xử lý, Cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích, ý thức chủ quan, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của đối tượng khi hành hạ cháu bé, nhốt trong tủ cấp đông.

Mặt khác, cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định việc cho một cháu bé nhốt vào trong tủ cấp đông như vậy có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng hay không và trong thời gian bao lâu sẽ dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện, cứu giúp kịp thời.

Trường hợp nếu kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định việc nhốt một cháu bé trong tủ cấp đông là nguy hiểm đến tính mạng thì đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội “Giết người” theo quy định tại điểm b, n (khoản 1, Điều 123, Bộ luật hình sự 2015). Dù cho có mâu thuẫn hay động cơ mục đích nào thì hành vi phạm tội của đối tượng cũng thuộc trường hợp giết người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ.

Cháu bé không tử vong do được gia đình phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời thì hành vi phạm tội của đối tượng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam theo quy định tại Điều 15, Điều 57 (Bộ luật hình sự 2015)” 4.

6. Tội giết người dưới 16 tuổi theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

“Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm” 5.

5/5 - (3 bình chọn)

Bài nổi bật

Hành vi pháp lý đơn phương là gì cho ví dụ

Một số vấn đề liên quan đến “Hành vi pháp lý đơn phương”

Hành vi pháp lý đơn phương là gì cho vi dụ? Hành vi pháp lý …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *