Giấy vay tiền viết tay có hợp pháp không? Giấy vay nợ viết tay có cần công chứng không? Thủ tục công chứng giấy vay tiền được thực hiện như thế nào? Giấy nợ viết tay có được xem là chứng cứ cho mượn tiền không? Đây là những câu hỏi và những thắc mắc của rất nhiều người khi chuẩn bị cho người khác vay tiền, dưới đây văn phòng Điều Tra Viên 126 chúng tôi sẽ giải đáp các bạn một cách chi tiết các vấn đề này.
👉 Tìm nội dung ở đây
1. Giấy vay nợ viết tay có cần công chứng không?
Giấy nợ viết tay không cần phải công chứng hoặc chứng thực, do bản chất của việc vay mượn tiền là một giao dịch dân sự bình thường, do vậy giấy nợ viết tay không cần phải công chứng hay chứng thực mà vẫn có giá trị pháp lý và được xem như là một chứng cứ mượn tiền hợp pháp.
Căn cứ pháp lý về hình thức của giao dịch dân sự (bao gồm cả giao dịch cho vay – mượn tiền) được quy định chi tiết và cụ thể tại điều 119 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.
Như vậy, theo quy định tại khoản 1 điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì giấy nợ viết tay được thể hiện bằng văn bản là một giao dịch hợp pháp, và các bạn cũng có thể sử dụng nó như một chứng cứ mượn tiền nếu như có xảy ra tranh chấp, kiện tụng tại Tòa án mà không cần phải công chứng.
– Những loại giao dịch bắt buộc phải đi công chứng, hoặc chứng thực bao gồm:
+ Hợp đồng mua bán nhà ở; (Điều 122 Luật nhà ở 2014 và Điều 430 Bộ luật dân sự 2015)
+ Hợp đồng tặng cho nhà ở, bất động sản (Điều 122 Luật nhà ở 2014 và Khoản 1 Điều 459 Bộ luật dân sự 2015)
+ Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013)
+ Hợp đồng đổi nhà ở, Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở (Khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014)
+ Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013)
+ Hợp đồng thế chấp nhà ở (Khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014)
+ Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất (Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013.)
+ Hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở thương mại (Khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014)
+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013)
+ Hợp đồng trao đổi tài sản (Khoản 2 Điều 455 Bộ luật dân sự 2015)
+ Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ (Khoản 4 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015)
+ Di chúc miệng (Khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2005)
+ Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài (Khoản 5 Điều 647 Bộ luật dân sự 2015)
+ Văn bản thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Khoản 3 Điều 122 Luật nhà ở 2014 và Điểm c Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013.)
Như vậy, trên đây là giải đáp vấn đề giấy vay nợ viết tay có cần công chứng không? Các trường hợp giao dịch bắt buộc phải có công chứng hoặc chứng thực. Dưới đây là những trường hợp giấy vay tiền không hợp lệ, bị vô hiệu 1 phần hoặc vô hiệu toàn phần theo quy định của pháp luật.
2. Khi nào thì giấy vay tiền không hợp lệ?
Trong trường hợp giấy vay tiền được ký mà 1 hoặc 2 bên chủ thể không có năng lực pháp luật dân sự – năng lực hành vi dân sự, hoặc bị lừa dối khi vay tiền, hoặc bị đe dọa – ép buộc khi ký hợp đồng vay tiền, hoặc lãi suất vượt quá 20%/năm thì lúc này giấy vay tiền không hợp lệ 1 phần, hoặc vô hiệu toàn bộ.
– Trường hợp bị vô hiệu 1 phần (giấy vay tiền không hợp lệ 1 phần)
Trường hợp cho vay giữa 2 cá nhân với nhau, cả 2 bên chủ thể đều có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự, có đầy đủ sự tự nguyện khi tham gia giao dịch, nhưng lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (khoảng 1,66%/tháng) thì lúc này, giấy vay tiền đó sẽ bị vô hiệu 1 phần, và phần vượt quá 1,66%/tháng đó sẽ không có hiệu lực pháp luật.
Ví dụ: A cho B vay với số tiền là 100 triệu đồng, tại thời điểm giao kết hợp đồng A, B đều có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, có năng lực hành vi dân sự, 2 bên tự nguyện khi thỏa thuận vay tiền, nhưng A thu lãi suất cho vay là 5%/tháng (5 triệu 1 tháng).
Lúc này, giao dịch cho vay tiền giữa A và B sẽ bị vô hiệu 1 phần, vô hiệu phần lãi suất vượt quá so với quy định khoảng 3,34%. Như vậy, trong trường hợp này thì B chỉ phải trả lãi cho A hàng tháng là 1,66% (khoảng 1,66 triệu/tháng chứ không phải là 5 triệu / tháng như đã thỏa thuận trong giấy vay tiền lúc đầu 2 bên đã thỏa thuận).
– Trường hợp bị vô hiệu toàn phần (giấy vay tiền không hợp lệ toàn phần)
Trường hợp khi giao dịch cho vay tiền mà 1 hoặc 2 bên không có năng lực pháp luật dân sự, hoặc không năng lực hành vi dân sự, hoặc bị lừa dối, đe dọa, ép buộc khi cho vay tiền,… Thì lúc này giấy vay tiền sẽ bị vô hiệu toàn phần.
Hậu quả của việc giao dịch dân sự vô hiệu toàn phần là các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận trước đó, trong ví dụ trên thì B sẽ phải trả lại cho A số tiền 100 triệu đồng đã vay, và các thỏa thuận khác trong giao dịch sẽ được hoàn trả lại hết.
3. Điều kiện để giấy vay tiền viết tay có hiệu lực pháp luật
Để giấy vay mượn tiền có giá trị pháp lý và được xem là nguồn chứng cứ hợp pháp thì chủ thể tham gia thực hiện giấy biên nhận mượn tiền phải có năng lực pháp luật dân sự, có năng lực hành vi dân sự, chủ thể tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, và lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
– Căn cứ pháp lý quy định về điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực tại điều 117 Bộ luật dân sự 2015 cụ thể như sau:
“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
– Căn cứ pháp lý quy định về mức lãi suất cho vay được quy định tại điều 468 Bộ luật dân sự 2015 (mức lãi suất cho vay này chỉ áp dụng đối với giao dịch giữa cá nhân với cá nhân, không áp dụng cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng, công ty tài chính)
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Như vậy, trong giao dịch dân sự (bao gồm cả giao dịch cho vay mượn tiền) thì pháp luật quy định không được thu lãi suất vượt quá 20%/năm của tổng số tiền đã cho vay, nếu như mà cho vay và thu lãi suất cao hơn 20%/năm của khoản tiền vay thì phần vượt quá đó sẽ bị vô hiệu, nghĩa là không có hiệu lực pháp luật.
4. Mẫu giấy vay tiền viết tay đơn giản, không cần công chứng
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———–
….,Ngày…….tháng,….năm….(1)
GIẤY VAY TIỀN
Hôm nay, ngày …. tháng …. năm …, tại ……. (2), hai bên chúng tôi gồm có:
1. Bên cho vay: (Sau đây gọi tắt là bên A)
Ông :…………………… Sinh ngày : ……………. (3)
CMND số :……. cấp ngày … tháng … năm … tại …….. (4)
Hộ khẩu thường trú :……………………………………………(5)
Chỗ ở hiện tại:……………………………………………………(6)
Bà:…………………… Sinh ngày:…………….(7)
CMND số :………. cấp ngày … tháng … năm … tại …..(8)
Hộ khẩu thường trú :…………………………………………….(9)
Chỗ ở hiện tại: …………………………………………………….(10)
Ông ….. và bà …… là vợ chồng theo Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số … do ……… cấp ngày … tháng … năm …(11)
2. Bên vay: (Sau đây gọi tắt là bên B)
Ông :…………………… Sinh ngày:…………….(12)
CMND số :………………… cấp ngày … tháng … năm … tại …..(13)
Hộ khẩu thường trú :……………………………………………………..(14)
Chỗ ở hiện tại:………………………………………………………………(15)
Bà:…………………… Sinh ngày:…………….(16)
CMND số :………………… cấp ngày … tháng … năm … tại ……(17)
Hộ khẩu thường trú :……………………………………………………..(18)
Chỗ ở hiện tại: ………………………………………………………………(19)
Ông ….. và bà …… (20) là vợ chồng theo Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số …… do …… cấp ngày … tháng … năm … (21)
ĐIỀU, KHOẢN THỎA THUẬN VAY TIỀN
Sau khi thỏa thuận, hai bên đồng ý ký Giấy vay tiền với các điều khoản sau đây:
Điều 1: Số tiền cho vay:
Bên A đồng ý cho bên B vay và Bên B đồng ý vay của Bên A số tiền: …… VNĐ (Bằng chữ: ………) (22)
Điều 2: Thời hạn cho vay:
– Thời hạn cho vay là (23)…………. tháng kể từ ngày ký hợp đồng này.
– Ngay sau khi ký Giấy vay tiền này, Bên A sẽ giao toàn bộ số tiền (24)………. cho Bên B
– Bên A thông báo cho Bên B trước (25) … tháng khi cần Bên B thanh toán số tiền đã vay nêu trên.
Điều 3: Lãi suất cho vay và phương thức trả nợ:
– Lãi suất được hai bên thỏa thuận là (26) ….%/tháng tính từ ngày nhận tiền vay.
– Khi đến hạn trả nợ, nếu Bên B không trả cho Bên A số tiền vay nêu trên thì khoản vay sẽ được tính lãi suất là (27) …%/tháng
– Thời hạn thanh toán nợ không quá (28) ….. ngày trừ khi hai bên có sự thỏa thuận khác.
– Bên B sẽ hoàn trả số tiền đã vay cho Bên A khi thời hạn vay đã hết. Tiền vay sẽ được Bên B thanh toán trực tiếp cho bên A hoặc thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng do Bên A chỉ định.
– Thỏa thuận khác: (thỏa thuận gì thì ghi vào, ví dụ trả lãi theo tháng, quí hay tới hạn, vốn cho trả dần hay trả 01 lần khi tới hạn (29)……….; Tài sản bảo đảm cho khoản vay: (30) ………………………..; Có thể viết sẵn giấy ủy quyền để sử dụng, chuyển nhượng một ngôi nhà hay tài sản nào đó (có chữ ký và công chứng theo quy định pháp luật) cho bên cho vay – nếu cần).
Điều 4: Mục đích vay
Mục đích vay số tiền nêu trên là để Bên B để sử dụng vào mục đích ………. (31)
Điều 5: Phương thức giải quyết tranh chấp
Nếu phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện Giấy vay tiền này, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau và đảm bảo đúng quy định pháp luật; Trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Cam kết của các bên
Bên A cam kết:
– Bên A tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giao và nhận lại tài sản vay;
– Bên A cam đoan số tiền cho vay trên là tài sản hợp pháp và thuộc quyền sở hữu của bên A;
– Việc vay và cho Bên B vay số tiền nêu trên là hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc, không nhằm trốn tránh bất kỳ nghĩa vụ nào của bên A;
– Bên A cam kết sẽ thực hiện đúng theo Giấy vay tiền này, nếu vi phạm thì sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.
Bên B cam kết:
– Bên B cam kết sử dụng tiền vay vào đúng mục đích đã nêu ở trên;
– Bên B cam kết trả tiền (tiền gốc và tiền lãi) đúng hạn, chỉ được ra hạn khi có sự chấp thuận của bên A bằng văn bản (nếu có sau này); Trường hợp chậm trả thì bên B chấp nhận chịu mọi khoản lãi phạt, lãi quá hạn theo quy định pháp luật (nếu có);
– Bên Bcam kết thực hiện đúng theo Giấy vay tiền này, nếu vi phạm thì sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật;
– Trường hợp Bên B chết/mất tích thì người còn lại hoặc những người thừa kế theo pháp luật của Bên B sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện Giấy vay tiền này.
Điều 7: Điều khoản cuối cùng
– Hai bên công nhận đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc ký Giấy vay tiền này.
– Mọi sửa đổi, bổ sung Giấy vay tiền chỉ có giá trị pháp lý khi được các bên thoả thuận và xác lập bằng văn bản. Những điều khoản không được sửa đổi bổ sung sẽ được thực hiện theo giấy vay tiền này.
– Hai bên đã tự đọc lại Giấy vay tiền, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Giấy vay tiền và ký tên, điểm chỉ vào Giấy vay tiền này.
– Giấy vay tiền này có hiệu lực kể từ ngày các bên cùng ký, được lập thành 02 bản có giá trị pháp lý như nhau, giao cho mỗi bên 01 bản để thực hiện.
BÊN CHO VAY (Ký, điểm chỉ, ghi rõ họ tên) |
BÊN VAY (Ký, điểm chỉ, ghi rõ họ tên) |
Như vậy, trên đây là mẫu giấy vay tiền viết tay đơn giản và thể hiện đầy đủ nội dung trong giao dịch vay tiền, các bạn có thể thỏa thuận thêm các điều, khoản khác trong giấy vay tiền tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của các bạn, chúc các bạn thành công!
Tin tức liên quan khác:
– Cho bạn mượn tiền không trả thì phải làm sao để đòi lại tiền? Có khởi kiện được không?
– Giấy vay nợ viết tay có giá trị pháp lý trong bao lâu để khởi kiện đòi lại tiền gốc và tiền lãi?
– Cảnh giác những hình thức cho vay tiền qua app để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi nhất
– Vay tiền qua app cho vay tiền online không trả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?